Bài 51 – Giọng Miền Nam
Bài 51 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Vào đầu kỷ nguyên người Do Thái đang bị đế quốc La Mã đô hộ và người ta mong được tự do, độc lập như thời vua Đa-vít ngày xưa. Đây là một ước muốn tự nhiên và hợp lý; ngoài ra Đức Chúa Trời cũng đã hứa ban cho họ một vị vua thuộc dòng dõi vua Đa-vít để trị vì.
Chúa Giê-su đã đến, Ngài giảng dạy Lời Chúa (Kinh Thánh Cựu Ước), truyền bá Phúc Âm và làm nhiều phép lạ cứu giúp nhiều người. Sứ Đồ Giăng cho biết nhiều người Do Thái khi thấy Chúa làm phép lạ hóa bánh cho nhiều ngàn người ăn, họ đã định ép Chúa Giê-su lên làm vua (Giăng 6:14) nhưng Ngài đã lánh đi lên núi một mình để cầu nguyện.
Trong chương này Sứ Đồ Ma-thi-ơ ghi lại cuộc hành trình tiến vào thành Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su một cách công khai và đặc biệt hơn nữa là Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước về vua Mê-si-a. Tuy nhiên, một lần nữa người Do Thái đã hiểu sai về Đấng Mê-si-a của Đức Chúa Trời; họ mong đợi một lãnh tụ chính trị và quân sự trong khi đó Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu Thế của Đức Chúa Trời chủ yếu là Đấng giải cứu thuộc linh; Ngài đến để thiết lập một Vương Quốc thuộc linh trên đất.
I.Chúa Giê-su hành động để ứng nghiệm Kinh Thánh
Ma-thi-ơ cho biết làng Bết-pha-giê ở trên núi Ô-liu. Người ta không rõ vị trí chính xác của làng này, nhưng nếu làng nằm trên núi Ô-liu thì không cách xa Giê-ru-sa-lem lắm, chỉ vài cây số.
Chúa Giê-su phái hai môn đệ đi dẫn lừa về để cho Ngài cưỡi đi vào thành Giê-ru-sa-lem chứng tỏ rằng Ngài ý thức rõ hành động của mình hoàn toàn ở trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Cha như lời các tiên tri trong Kinh Thánh chép,
“Kìa, Vua ngươi ngự đến cùng ngươi,
Khiêm nhu cưỡi trên lưng lừa,
Là lừa con, con của lừa mang ách.” Xa-cha-ri 9:9
Chúa Giê-su sai hai môn đệ đi dẫn hai con lừa về cho Ngài vì Ngài sẽ cưỡi trên con lừa con chưa ai cưỡi. Lừa con chưa được huấn luyện để chở người nên phải có lừa mẹ bên cạnh dẫn dắt.
Hai môn đệ đi và làm y như lời Chúa Giê-su đã bảo họ. Khi đem lừa về, họ lấy áo mình trải trên lưng lừa để Chúa cưỡi lên và đi vào Giê-ru-sa-lem.
Lời các tiên tri nói rõ, vua sẽ cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem. Hình ảnh thông thường người ta mong đợi là vị vua oai hùng cưỡi ngựa cùng đoàn quân vào thành trong vinh quang. Đây là hình ảnh của Chúa Cứu Thế sẽ đến thế gian vào lần thứ hai được tiên báo trong Khải Huyền 19. Nhưng như lời tiên tri Xa-cha-ri, Đấng Cứu Thế vào Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất như một vị vua khiêm nhu, bình an. Ngày xưa vua Israel cũng cưỡi lừa. Vua Đa-vít phán bảo thầy tế lễ Xa-đốc, tiên tri Na-than và viên quan Bê-na-gia đem lừa của mình cho Sa-lô-môn cưỡi đi đến Ghi-hôn và xức dầu phong vương cho Sa-lô-môn. I Vua 1:32-35.
Ma-thi-ơ ghi lại một đoàn dân rất đông trải áo mình trên đường; những người khác chặt cành cây trải khắp lối đi để hoan nghênh Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem. Đoàn người hân hoan hô lớn: Hô-sa-na, Con Vua Đa-vít!
Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!
Hô-sa-na tận chốn trời cao!
“Hô-sa-na” là từ ngữ được trích từ Thánh Thi 118:14, có nghĩa là “sự cứu rỗi của ta” và nhóm từ này đã trở thành một lối tung hô mang ý nghĩa, “hiện nay sự cứu rỗi đã đến.” Thật vậy sự cứu rỗi, một ân phúc lớn lao trong Đấng Mê-si-a, Con Vua Đa-vít đã đến, nhưng đây là ân sủng cứu rỗi tâm linh, sự tha thứ tội lỗi, sự sống vĩnh phúc cho người tin cậy Con Đức Chúa Trời. Đoàn dân đông đã tung hô những khẩu hiệu đúng, đã tuyên xưng danh hiệu của Đấng Mê-si-a, nhưng họ đã hiểu sai và mong đợi một điều sai lầm, tức là mong đợi sự giải cứu chính trị và quân sự.
II.Đoàn dân hiểu biết về Chúa Giê-su
Ma-thi-ơ ghi rằng khi Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành phố náo động. Có lẽ người ta nghĩ rằng Chúa Giê-su là một đấng tiên tri từ Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê sẽ lãnh đạo một cuộc nổi dậy chiếm lại chủ quyền cho dân tộc Do Thái. Chúa Giê-su được biết đến như là một con người, một lãnh đạo xuất thân từ Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê. Về phương diện xã hội, điều này không có gì sai lầm nhưng đám đông dân chúng cũng như đại đa số người Do Thái thời ấy đã không thấy và biết rõ nguồn gốc thiêng liêng cũng như sứ mệnh tâm linh của Chúa Cứu Thế Giê-su.
Ma-thi-ơ ghi lại hành động của Chúa Giê-su khi vào Giê-ru-sa-lem không phải để lãnh đạo một cuộc cách mạng, chiếm cứ thủ đô Giê-ru-sa-lem bằng vũ lực và đem lại chủ quyền cho dân Do Thái nhưng Ngài dẹp sạch đền thờ; một hành động biểu tượng hoàn toàn có tính cách tâm linh.
Người Do Thái đã hiểu sai, lầm tưởng rằng Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã hứa ban trong Kinh Thánh sẽ là một vị cứu tinh chính trị, kinh tế và có thể cả quân sự nữa. Nhưng Chúa Giê-su đã khiêm nhu cưỡi lừa vào Giê-ru-sa-lem như một vị vua tâm linh, bình an.
Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a; Ngài đã đến thế gian, giảng dạy Lời chúa (Kinh Thánh), truyền bá Phúc Âm và chữa bệnh, trừ tà, làm nhiều phép lạ cứu giúp nhiều người đau khổ, cùng khốn. Chúa Giê-su là người duy nhất làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời và làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Sứ mệnh chủ yếu của Chúa Cứu Thế là cứu rỗi dân Chúa cũng như nhân loại ra khỏi tội lỗi (Mat 1:21) và đem đến cho nhân loại sự sống vĩnh phúc. Giăng 3:16
Áp Dụng
1/ Hai môn đệ vâng lời Chúa và sự việc đã xảy ra như thế nào ?
Hãy vâng Lời Chúa dù đôi khi chúng ta không hiểu rõ lý do.
2/ Phản ứng của dân chúng đối với Chúa Giê-su khi Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem là gì?
Bạn dã hoan nghênh, đón Chúa Cứu Thế Giê-su vào trong đời sống mình chưa?
3/ Bạn đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su vào lòng như một vị vua chính trị, kinh tế hay như Đấng cứu rỗi linh hồn mình?
4/ Bạn có đang có sự sống vĩnh phúc (sự sống đời đời) không? Tại sao?
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Chúa Giê-su đã đi bộ vào thành Giê-ru-sa-lem nhiều lần; nhưng tại sao lần này Chúa muốn cưỡi lừa vào Giê-ru-sa-lem?
2/ Tại sao chúng ta nên vâng Lời Chúa (Kinh Thánh) dù đôi khi chúng ta chưa hiểu rõ và đầy đủ về Lời Chúa?
3/ Người Do Thái đã hoan nghênh Chúa Giê-su khi Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem vì họ nghĩ Ngài là ai?
4/ Chúa Giê-su có lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống chính quyền La Mã như người ta tưởng không? Tại sao?