Bài 13 – Giọng Miền Nam
Bài 13 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Làm việc để có đủ lợi tức sinh sống là việc bình thường và tốt đẹp. Tuy nhiên vì thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời và không hiểu rõ bản chất của đời sống, người ta có thể theo đuổi những mục đích sai lầm.
I.Tích trữ của cải
Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng của cải vật chất không tồn tại vĩnh viễn. Sau trận bão Harvey tại bang Texas, Hoa Kỳ có đến 500 000 chiếc ô tô bị hư hại một phần hay hoàn toàn và vô số nhà cửa, cơ sở vật chất bị hủy diệt hay hư hại nặng.
Vật chất sẽ bị cũ, mòn, hư hỏng, gỉ sét và có thể bị trộm cắp hay ngay cả kẻ cướp lấy đi. Nói chung của cải vật chất không phải là những vật có giá trị và tồn tại vĩnh viễn, vì thế chúng ta không nên tập trung mọi nỗ lực để tạo mãi và tích trữ của cải vật chất. Ngoài ra đời người rất ngắn ngủi, nhiều lắm cũng chỉ đến trăm năm là cùng. Sự sống vĩnh phúc còn đến đời đời.
Là tín hữu của Chúa Cứu Thế, chúng ta biết rằng con người còn có đời sống tâm linh và quê hương thật của con dân Chúa là Thiên Đàng vinh quang vĩnh phúc. Chúa Giê-su dạy: “Vì người nào dù được cả thế giới mà mất linh hồn mình, người ấy được ích gì? Hay có ai lấy gì để đánh đổi được linh hồn mình không?” Mat 16:26 Câu trả lời là “không”!
Nhưng của cải, vật chất giàu có luôn luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt và có thể khiến chúng ta dồn hết năng lực, khả năng để tìm kiếm nó. Người để hết năng lực để làm giàu và tích trữ của cải sẽ không còn thì giờ, năng lực cho công việc thuộc linh và kết quả là người đó sẽ không có phần thưởng gì cả trên thiên đàng khi qua đời. Là con dân Chúa, hãy dành ưu tiên cho đời sống tâm linh và những giá trị sẽ còn lại đời đời trong Nước Trời (Thiên Đàng) vinh quang, phúc hạnh.
II.Ánh sáng tâm linh
Mắt là cơ quan nhận ánh sáng và soi sáng thân thể. Người ta phải có mắt tốt để có thể thấy mọi sự vật rõ ràng; có thể đọc sách, xem TV…v..v… Nếu mắt xấu thì ánh sáng sẽ bị lu mờ, lệch lạc và trong trường hợp mắt mù, người ta sẽ không thấy gì cả! Và tất cả chỉ là tối tăm.
Người ta cũng thường ví mắt như là cửa sổ của tâm hồn. Ở đây Chúa ví mắt như tấm lòng con người. Lòng người là nơi tiếp nhận ánh sáng hay chân lý cứu rỗi của Chúa. Nếu tấm lòng con người gian ác, chai lì, vô tín không chịu nhìn nhận rằng mình tội lỗi, bất toàn; không muốn ăn năn, hối cải và tiếp nhận hồng ân cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-su thì cả thân thể hay cả đời sống của người đó vẫn cứ ở trong tối tăm và số phận của họ là đi vào hỏa ngục đời đời. Sự chết cả thể xác lẫn linh hồn nơi hỏa ngục đời đời là hình phạt lớn lao và khủng khiếp nhất.
III. Chúa và tiền tài
Tiền bạc là phương tiện để sinh sống. Con người ai cũng cần làm việc, kiếm tiền để sinh sống. Nhưng nhiều người vì quá tham lam, muốn làm giàu bằng mọi cách nên đã trở nên nô lệ cho tiền bạc. Từ ngữ “tôi tớ” ở đây chỉ về một kẻ nô lệ. Một người khi đã làm nô lệ cho tiền bạc, giàu có, của cải thì sẽ không còn tâm trí, thì giờ, năng lực để phục vụ Chúa.
Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên con người, Ngài mới là người chủ chính đáng của chúng ta. Đặc biệt, nếu bạn là một tín hữu của Chúa Cứu Thế Giê-su, bạn là người đã được Chúa Cứu Thế mua chuộc khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và ma quỷ. Vì thế chúng ta là con dân của Chúa, chúng ta không nên rơi vào vòng nô lệ nữa, dù là nô lệ cho tiền tài, của cải vật chất của đời này.
Hãy để thì giờ, khả năng, tâm trí để phục vụ Chúa. Bạn có thể phục vụ Chúa ngay trong ngành, nghề hay mục vụ Chúa kêu gọi bạn. Trong lịch sử và ngay trong thời đại hiện tại, nhiều người đã phục vụ Chúa hiệu quả ngay trong ngành, nghề của họ.
-Hai vợ chồng A-qui-la và Bê-rit-sin làm nghề may trại đã giúp đỡ Phao-lô trong sứ mệnh truyền giáo của ông. Hai người này đã giúp đỡ, hướng dẫn A-pô-lô, một nhà truyền giáo hiểu biết đúng con đường của Chúa Cứu Thế. A-qui-la và Bê-rit-sin cũng dùng nhà của mình để mở hội thánh.
-Một kỹ sư, phó tổng giám đốc một hảng điện tử lớn trên thế giới đã hướng dẫn, cố vấn những kỹ sư trẻ; đã dạy Kinh Thánh cho hội thánh và cũng hướng dẫn một nhóm nhỏ tại gia.
-Một nữ thương gia đã giúp một hội thánh xây trung tâm cai nghiện, giúp tài chánh xây cơ sở cho một hội thánh lớn.
-Một thương gia đã giúp tài chánh và tự mình quyên góp tài chánh để xây một chung cư lớn cho sinh viên thần học ngoại quốc có gia đình đến Mỹ để học Lời Chúa….
-Một số thương gia lập hội VBInc. Giúp tài chánh để dịch, in ấn và phát hành bản Kinh Thánh Bản Dịch Mới cho Việt Nam. Hiện nay hội này đã in và phân phối trên hai triệu cuốn sách Phúc Âm, Tân Ước và Kinh Thánh toàn bộ cho người Việt Nam tại Việt Nam cũng như hải ngoại.
IV.Lo lắng thái quá
Mỗi người đều có trách nhiệm làm việc để sinh sống; Lời Đức Chúa Trời cảnh cáo những người lười biếng, không chịu làm việc. Ở đây, Chúa Giê-su nói đến sự lo lắng thái quá về những điều chúng ta không nên lo lắng, vì có lo cũng không thể làm gì được. Lo lắng không thể giúp chúng ta kéo dài đời sống thêm được một giây phút nào cả; trái lại lo lắng thường làm cho người ta đau yếu, bệnh tật.
Có ít nhất là ba lý do khiến chúng ta không nên lo lắng.
1/ Lo lắng tức là không tin cậy Đức Chúa Trời.
Chúng ta là con dân Chúa, phục vụ Chúa. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, là ông Chủ của muôn loài vạn vật, là Cha thiêng liêng của chúng ta. Khi chúng ta lo lắng tức là chúng ta không tin rằng Cha thiêng liêng sẽ chu cấp cho con cái Ngài. Khi chúng ta lo lắng, tức là chúng ta cho rằng ông chủ gian ác hay không đủ khả năng đền bù xứng đáng cho việc phục vụ của chúng ta.
2/ Lo lắng tức là cho rằng Chúa không quan tâm, chăm sóc sinh vật thọ tạo của Ngài.
Chúa Giê-su khuyên chúng ta hãy nhìn vào tạo vật chung quanh, từ chim chóc, thú vật đến cây cỏ hoa lá. Nếu Đức Chúa Trời đã chăm sóc những vật vô tri kia thì Ngài lại không chăm sóc con dân của Ngài sao? Thế thì con dân của Chúa không nên lo lắng thái quá.
3/ Một người lo lắng thái quá là người chỉ lo cho đời sống vật chất hiện tại.
Tín hữu của Chúa là những người đã được cứu rỗi, đã được sự sống vĩnh phúc, đã trở thành công dân Nước Trời. Vì thế chúng ta nên để Nước Đức Chúa trời lên ưu tiên hàng đầu trong đời sống của mình. Nhiều người sẽ chia sẻ kinh nghiệm huyền diệu này cho quý vị, khi một người tìm kiếm và lo cho công việc nhà Chúa, Chúa sẽ lo chu cấp đầy đủ cho gia đình người đó. Một nữ thương nhân triệu phú Mỹ đã đeo một chiếc dây chuyền vàng có hai chiếc xẻng, một cái lớn và một cái nhỏ. Người này nổi tiếng vì đã làm nhiều việc thiện lớn lao giúp đỡ nhiều người. Nhiều người ngạc nhiên hỏi tại sao bà này giàu có mà đeo một chiếc dây chuyền thiếu thẩm mỹ như vậy. Khi được hỏi, bà triệu phú này cho biết bà chỉ có thể dâng hiến và phục vụ Chúa như một chiếc xẻng bé nhỏ, nhưng phúc lành Chúa đổ xuống cho bà và gia đình bà thì nhiều và lớn lao không xiết kể.
Áp dụng
1/Sứ Đồ Phê-rơ khuyên chúng ta hãy cầu nguyện và trình mọi điều mình lo lắng cho Chúa: “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài chăm sóc anh chị em.” 1Phê-rơ 5:7
2/Hãy tin cậy Chúa là Cha nhân từ của chúng ta, Chúa sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết cho con dân Ngài.
3/ Hãy làm mọi việc trong tinh thần:
a/ Làm sáng danh Chúa
b/ Giúp mở mang, phát triển Vương Quốc Đức Chúa Trời.
c/ Mọi việc chúng ta làm đều hợp với ý Chúa, theo đường lối của Chúa và ở trong chương trình cứu rỗi nhân loại của Ngài.
Câu hỏi thảo luận
1/Tại sao một người có thể lo lắng thái quá?
2/ Hãy nêu lên một vài điều mà dù bạn lo lắng cũng không ích lợi gì và không thể thay đổi được?
3/ Tại sao con dân Chúa nên đặt ưu tiên cho công việc truyền bá Tin Lành và mở mang Vương Quốc Đức Chúa Trời trên đất?
4/ Bạn nên làm gì khi cảm thấy lo lắng thái quá?
Hãy chia sẻ một vài kinh nghiệm bình an trong tâm hồn khi bạn cầu nguyện, trình lên Chúa mọi sự lo lắng của mình.