Bài 55 – Giọng Miền Nam
Bài 55 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Lễ cưới của hoàng tử nước Anh năm 1981 tại thánh đường Phao-lô ở Luân Đôn được coi là hôn lễ huy hoàng nhất thế kỷ. Khách mời toàn là những thủ lãnh quốc gia hay những người nổi tiếng trên thế giới. Hay nói một cách khác được mời dự tiệc cưới của con vua là một vinh dự lớn lao. Chúa Giê-su kể ngụ ngôn tiệc cưới của con vua hay tiệc cưới Chiên Con (Khải Huyền 19:9) để nói lên ân sủng lớn lao của Chúa và đồng thời cũng cho thấy hậu quả khủng khiếp dành cho những người từ khước ân sủng của vua.
Vua trong ngụ ngôn là Đức Chúa Trời; con vua là Chúa Cứu Thế Giê-su; khách được mời dự tiệc là dân Israel; tất cả những người ngoài đường, Lu-ca nói rõ đây là những người nghèo khổ, bại liệt, mù lòa, què quặt vào dự tiệc, là những người từ các dân tộc khác.
I.Những người từ khước ân sủng của vua
Chúa Giê-su ví Nước Thiên Đàng như là một vương quốc. Vua của vương quốc này là Đức Chúa Trời và con trai của vua chính là Chúa Cứu Thế Giê-su. Sách Khải Huyền cũng nói đến tiệc cưới của Chiên Con. “Phước cho những người được mời dự tiệc cưới Chiên Con.” Khải 19:9 Đầy tớ của vua là những tiên tri của Chúa thời Cựu Ước; những môn đệ của Chúa Giê-su cũng được gọi là đầy tớ của Chúa. Khách của tiệc cưới là những người đã được mời; những đầy tớ của vua chỉ đến để nhắc nhở họ đến dự tiệc cưới. Khách ở đây chỉ về người Do Thái, là dân tộc có giao ước với Đức Chúa Trời.
Những người khách đã được mời, được nhắc nhở, được thông báo rằng tiệc đã chuẩn bị sẳn sàng nhưng họ vẫn quyết định không đến dự. Đây là một sự cố ý từ khước; một hành động sỉ nhục vua. Những lý do khách nêu lên để từ khước dự tiệc cưới hoàng tử của vương quốc đều là những lý do không chính đáng. Lu-ca nêu rõ những lý do này, người thì mới mua mẫu ruộng nên đi xem đất. Thật ra người nào mua đất cũng đã xem xét đất ruộng từ trước khi mua và người ta cũng có thể xem đất của mình ngày nào cũng được. Người mới mua cặp bò cũng thế. Người này đã xem xét bò trước khi mua và bò đã mua thì xem lúc nào cũng được. Ngay cả người mới cưới vợ thì cũng có thể đem cả vợ cùng đi dự tiệc cưới. Nhưng tất cả những người này đều từ khước tham dự đám cưới của hoàng tử. Không những thế một số khách còn bắt bớ, đánh đập và giết chết các đầy tớ của vua. Nói lên đều này Chúa Giê-su ám chỉ đến một số tiên tri của Chúa đã bị người Do Thái bắt bớ, hành hạ và sát hại nữa.
Câu 7 nhắc nhở người Do Thái về lịch sử của họ và cũng tiên báo về tai họa sắp đến nếu họ tiếp tục từ khước Đức Chúa Trời.
Người Israel đã được Đức Chúa Trời kêu gọi và lập giao ước với họ để làm dân của Ngài nhưng họ đã đi theo thờ lạy những thần tượng khác vì thế vào năm 722 TCN nước Israel ở miền bắc đã bị đế quốc A-sy-ri xâm chiếm và lưu đày dân chúng biệt xứ. Nước Giu-đa ở phía nam cũng không thoát khỏi số phận khi quân Ba-by-lôn xâm chiếm Giê-ru-sa-lem vào năm 581 TCN và dân Giu-đa cũng bị lưu đày sang Ba-by-lôn đến 70 năm theo như lời tiên tri của Giê-rê-mi. Chúa Giê-su kể ngụ ngôn này để nhắc nhở người Do Thái về hậu quả khủng khiếp của sự từ khước Đức Chúa Trời mà dân tộc này đã gánh chịu đến hai lần trong lịch sử. Trong khi đó Chúa Giê-su cũng cảnh cáo người Do Thái đương thời về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với dân phản nghịch cùng Ngài. Lịch sử Do Thái cho thấy họ đã khước từ ngay cả Con Đức Chúa Trời, tức là Chúa Cứu Thế Giê-su. Ngài đã đến với dân Ngài nhưng họ vẫn không tiếp nhận (Giăng 1:11) và một lần nữa câu bảy trong ngụ ngôn này, “Nhà vua nổi giận, sai quân lính đến hủy diệt những kẻ sát nhân và đốt phá thành phố của họ.” đã ứng nghiệm vào năm 70 SCN khi quân La Mã chiếm đóng và phá hủy Giê-ru-sa-lem, lưu đày toàn thể dân Giu-đa biệt xứ.
II.Những người được mời
Khi những khách đã được mời và nhắc nhở nhưng họ không chịu đến dự, vua cho rằng những người này không xứng đáng dự tiệc cưới hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi ra khắp đường phố gặp ai cũng mời. Điều này có nghĩa là vua cho mời tất cả những người thứ dân, Ma-thi-ơ ghi nhận, “kẻ xấu cũng như người tốt”; Lu-ca mô tả rõ hơn, “…mời những người nghèo khổ, bại liệt, mù lòa, què quặt về đây.” Thông thường đây không phải là những người sẽ được mời dự tiệc cưới của một vị hoàng tử. Người Do Thái vẫn tự hào rằng họ là dân có giao ước với Đức Chúa Trời, có Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, là chân lý, họ là người có ánh sáng của Chúa để dạy dỗ muôn dân về Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật.
Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-su đến thế gian, đến với người Israel trước, Ngài đã khai trương Nước Đức Chúa Trời trên đất. Nhưng đa số giới lãnh đạo và dân Do Thái đã từ khước Con Đức Chúa Trời, thậm chí họ đã thông đồng với chính quyền ngoại đạo La Mã kết án và giết chết Ngài. Nhưng chính Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài đã truyền giảng Phúc Âm cho những dân tộc ngoại quốc, là những dân tộc ngoại đạo, thờ hình tượng, không hiểu biết gì về Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa chí cao.
Theo phong tục thời đó những người dự tiệc cưới của hoàng tử đều phải mặc lễ phục trang trọng. Trong một số trường hợp vua có thể cấp cho người dự tiệc áo lễ để giữ cho buổi lễ được trang trọng.
“Nhưng khi vào xem khách dự tiệc, vua chợt thấy một người không mặc lễ phục.” vua bảo người ấy: “anh kia, sao anh không mặc lễ phục mà vào đây được? Anh ta không trả lời được”. Vua ra lệnh bắt trói kẻ đó và ném ra ngoài, nơi có than khóc và rên xiết.
Khải Huyền 19:8 cho biết “…áo vải gai mịn… Vải gai mịn là các việc công chính của các thánh đồ.” Áo lễ ở đây là biểu tượng của sự công chính của Chúa Cứu Thế Giê-su, Con Đức Chúa Trời Chí Cao mà tất cả những người tin Ngài nhận được.
Ngày nay nhiều người được mời vào Nước Đức Chúa Trời nhưng vẫn không muốn tiếp nhận sự công chính của Con Đức Chúa Trời bởi đức tin; một số người vẫn muốn lấy công đức riêng của mình để vào Thiên Đàng. Nhưng tiên tri I-sa đã cho biết, “Mọi điều công chính của chúng tôi như chiếc áo bẩn thỉu.” I-sa 64:6 Kinh Thánh dạy rõ, “Người công chính sẽ sống bởi đức tin của mình.” Ha-ba-cúc 2:4 Kinh Thánh Tân Ước cũng xác nhận như thế, “Vì chúng ta khẳng định rằng loài người được xưng công chính bởi đức tin (nơi Chúa Giê-su) chứ không bởi việc làm theo kinh luật.” Rô-ma 3:28
Chúa Giê-su tuyên bố, “Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.” Phúc Âm về Nước Đức Chúa Trời sẽ được truyền bá khắp thế giới, tất cả nhân loại đều được mời đến dự Tiệc Cưới Chiên Con trên Thiên Đàng nhưng chỉ có một số người đáp ứng lời kêu gọi của Chúa để được cứu rỗi. Phước cho người đáp ứng, tin nhận Con Đức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế Giê-su, những người tin sẽ được dự tiệc cưới Chiên Con trên Thiên Đàng khi Chúa tái lâm. Khải 19:9
Áp dụng
1/Hãy đáp lời mời của Đức Chúa Trời bằng cách tin nhận Con Đức Chúa Trời, tức là Chúa Cứu Thế Giê-su làm Đấng cứu rỗi và chủ tể của mình để được vào Thiên Đàng. Giăng 3:16
2/ Ngày nay ba loại người thường từ chối không chịu tin Tin Lành cứu rỗi là những người nào?
a/ Những người quá lo buôn bán, làm giàu không quan tâm đến linh hồn vĩnh cửu.
b/ Những người chỉ lo công việc làm ăn, không lo gì đến đời sống tâm linh.