Bài 32 – Giọng Miền Nam
Bài 32 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Quan sát hội thánh Chúa như là một tổ chức tôn giáo, chúng ta thấy rằng nếu cả ba nhánh Cơ Đốc giáo hiệp lại thì chúng ta thấy Cơ Đốc giáo là tổ chức tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên nhìn kỷ vào bên trong chúng ta thấy Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng ta biết một thực trạng khác cũng đang diễn ra giữa vòng con dân Chúa trong Vương Quốc Đức Chúa Trời. Ấy là ma quỷ cũng đang hoạt động ráo riết trong hội thánh và giữa vòng những con dân của Chúa.
I.Ngụ ngôn về cỏ lùng
Trong ngụ ngôn gieo giống, Chúa cho chúng ta biết rằng:
– người gieo giống tốt là Chúa Cứu Thế Giê-su và những môn đệ Chúa sau này;
– hạt giống là con dân Nước Đức Chúa Trời;
– ruộng là thế gian;
– cỏ lùng là con cái quỷ vương;
– kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ;
– mùa gặt là ngày tận thế;
– thợ gặt là thiên sứ.
Chúa Giê-su và các môn đệ Chúa sau này đều gieo những hạt giống tốt, nghĩa là đã môn đệ hóa nhiều người trở thành môn đệ Chúa cho hội thánh. Trong khi đó ma quỷ cũng hoạt động, gieo cỏ lùng vào ruộng lúa của Chúa; vì thế trong ruộng lúa (hội thánh) của Chúa cũng có cỏ lùng và cả hai cùng mọc lên trong ruộng.
Cỏ lùng là loại cỏ dại có thân cây giống như cây lúa nhưng có thể phân biệt sự khác nhau. (Mat 13:27) Cỏ lùng có rễ đâm ra chung quanh chằng chịt và cuộn vào với rễ cây lúa, vì thế Chúa bảo tôi tớ Ngài không nên nhổ cỏ lùng vì người ta có thể nhổ cỏ lùng và nhổ luôn cả gốc lúa đi chăng. Điều an toàn là hãy chờ đến mùa gặt, lúc ấy thợ gặt có thể nhổ cỏ và gặt lúa cùng một lúc mà không sợ hại đến lúa.
Dù Chúa không cho phép tôi tớ Ngài nhổ cỏ lùng, tức là phán xét và loại bỏ người không tin Chúa ra khỏi hội thánh, nhưng Ngài cũng dạy một chân lý bất biến, đó là cỏ lùng sẽ bị nhổ và thiêu đốt trong lửa vào ngày phán xét, hay nói một cách khác, số phận của tất cả những người không tin Chúa dù ở trong hay ở ngoài hội thánh đều sẽ phải bị phán xét và đi vào hỏa ngục đời đời. Đây là thực trạng đang xảy ra khắp nơi. Có nhiều người gia nhập hội thánh Chúa hoặc lớn lên từ gia đình tin kính Chúa nhưng chưa tin Chúa thật sự và được tái sinh.
Khi kể chuyện ngụ ngôn này mục đích của Chúa là để chúng ta, những tôi con thật của Chúa cảnh tỉnh về đức tin của con dân Chúa và những hoạt động của ma quỷ trong hội thánh Chúa.
Chúng ta không được phép nhổ cỏ lùng, nhưng chúng ta có thể nhận xét và biết phân biệt giữa lúa và cỏ lùng để có thể có những đáp ứng thích đáng.
Chúng ta cũng có thể cầu nguyện để Chúa mở mắt, đổi lòng những người chưa được tái sinh. Ngoài ra hội thánh cũng nên có những buổi cầu nguyện, giảng phấn hưng để con dân Chúa được tỉnh thức và người chưa tin Chúa có dịp tin nhận Ngài.
II.Ngụ ngôn về hạt cải và men
Ma-thi-ơ sắp xếp hai ngụ ngôn ngắn về hạt cải và men ngay sau ngụ ngôn cỏ lùng. Vì thế một số học giả cho rằng ý nghĩa của hai ngụ ngôn này phải là tiêu cực cũng như ngụ ngôn cỏ lùng. Hai ngụ ngôn này cho thấy sự phát triển vượt bực của điều ác trên thế gian.
Theo truyền thống của các ra-bi (giáo sư) Do Thái, hạt cải biểu tượng cho hạt giống bé nhỏ nhất. Theo ngụ ngôn hạt cải đã trở thành một cây lớn đến nỗi chim có thể làm tổ trên cành. Theo ngụ ngôn gieo giống, chim chóc tượng trưng cho ma quỷ. Vì thế hạt cải là hạt giống xấu, là con cái của ma quỷ. Con cái của ma quỷ thì lúc nào cũng phát triển mạnh mẻ, lớn lao. Trong lịch sử đạo Chúa từ khi Chúa Cứu Thế giáng sinh và khai trương Vương Quốc Đức Chúa Trời trên đất cho đến nay, ma quỷ và con cái cùng bầy tôi của chúng lúc nào cũng hoạt động mạnh mẻ trên thế gian đồng thời với hội thánh và Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Men được coi là chất ô uế. Người Do Thái có những nghi lễ để thanh tẩy men khỏi nhà cửa và vật dụng trong nhà. Men cũng có khả năng làm cho bột dậy lên; chỉ một ít men cũng có thể làm cho ba thùng bột khoảng hai mươi lít dậy lên. Những điều ô uế, xấu xa cũng có thể lây lan rất mạnh và nhiều. Nhìn chung trên thế giới, người ta thấy điều ác lúc nào cũng gia tăng và lây lan rất mạnh. Điều ác trong thế gian gia tăng và lây lan mạnh và nhiều hơn là điều thiện và tốt lành ngay trong hội thánh Chúa.
Trong khi đó nhiều học giả cho rằng Chúa kể hai ngụ ngôn này là để nói lên sự phát triển và lớn mạnh của hội thánh và Vương Quốc Đức Chúa Trời dù hội thánh Chúa bắt đầu từ một khởi điểm bé nhỏ, tầm thường. Chúa nói: “Nước Thiên Đàng giống như một hạt cải.” nghĩa là Chúa ví Nước Thiên Đàng với hạt cải; đặc biệt là khả năng tăng trưởng và phát triển mạnh mẻ của hạt cải chứ không phải giá trị đạo đức của hạt cải. Lịch sử nhân loại cho đến ngày nay minh xác điều này. Đạo của Chúa bắt đầu từ một nhóm người tầm thường, bé nhỏ nhưng nay đã truyền ra khắp thế giới và trở nên một tôn giáo lớn nhất thế giới.
Chúa Giê-su cũng ví “Nước Thiên Đàng giống như chất men.” Cũng như ngụ ngôn về hạt cải, Chúa Giê-su ví Nước Thiên Đàng với khả năng của men; người ta chỉ cần một ít men để có thể làm cho khối bột có trọng lượng lớn hơn nó nhiều, dậy lên. Ngụ ngôn này chủ yếu nói về khả năng xúc tác chứ không phải giá trị đạo đức của men. Chúa Giê-su và một nhóm nhỏ môn đệ của Ngài đã khai trương Hội Thánh Đức Chúa Trời trên đất (Mat 16:16-19; Công Vụ 2:1-47) và hội thánh Ngài đã tăng trưởng, phát triển vượt bực từ nhóm người nhỏ bé kia.
Vì Chúa Giê-su nói trực tiếp, “Nước Thiên Đàng giống như hạt cải và men” cho nên hai ngụ ngôn này nói về sự tăng trưởng, phát triển mạnh mẻ và vượt bực của hội thánh Chúa là hợp lý.
Áp Dụng
1/ Theo lời Chúa dạy số phận của cỏ lùng (người không tin Chúa) là gì?
2/ Là tôi con của Chúa chúng ta nên làm gì cho hội thánh và Nước Thiên Đàng ?
3/ Chúa dạy tại sao chúng ta không nên nhổ cỏ lùng trong ruộng lúa của Chúa?
4/ Ngụ ngôn về hạt cải bé nhỏ đem lại sự khích lệ gì cho con dân Chúa?
5/ Ngụ ngôn về men nói đến khả năng gì nơi con dân Chúa?
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Công việc chính của tto6i con Chúa trong hội thánh cũng như trong Vương Quốc Chúa là gì?
2/ Ma quỷ đang làm gì trong hội thánh Chúa?
3/ Tại sao Chúa dạy tôi con Chúa không nên nhổ cỏ lùng (Phán xét và loại trừ) ra khỏi ruộng lúa?
4/ Hy vọng của bạn trong ngày phán xét là gì? Tại sao?
5/ Những điều gì về hội thánh Đức Chúa Trời trong lịch sử giống như hai ngụ ngôn hạt cải và men?