Bài 35 – Giọng Miền Nam
Bài 35 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Trong khi thi hành chức vụ, Chúa Giê-su đã chứng tỏ cho dân chúng cũng như mọi người biết rằng Ngài là Đấng Mê-si-a của Đức Chúa Trời và Ngài có đầy đủ thần quyền như Đức Chúa Trời. Ghi lại hai biến cố kế tiếp, Ma-thi-ơ muốn cho chúng ta thấy Chúa Giê-su có quyền sáng tạo và Ngài cũng có quyền trên thiên nhiên.
Chúa Giê-su có quyền sáng tạo
Khi nghe tin vua Hê-rốt đã chém đầu Giăng Báp-tít, Chúa Giê-su đi vào nơi thanh vắng; Ngài tránh thu hút đám đông dân chúng nơi đô thị vì giới lãnh đạo Do Thái có thể vu cáo Ngài cổ động dân chúng nổi loạn hay chống đối chính quyền.
Tuy nhiên dân chúng thì vẫn ngưỡng mộ Chúa và họ đi theo Ngài. Thấy đám đông dân Chúng, Chúa Giê-su động lòng thương xót họ nên Ngài chữa lành nhiều người bệnh tật, đau yếu. Các sách Phúc Âm đều ghi rõ hoạt động chủ yếu của Chúa Giê-su là dạy dỗ Lời Chúa, giảng Tin Lành cứu rỗi và việc chữa lành bệnh tật thường theo sau (Mat 9:35).
Nơi Chúa đang dạy dỗ và chữa bệnh là nơi hoang vắng vì thế các môn đệ đề nghị Chúa cho giải tán dân chúng để họ vào các làng gần đó để mua thức ăn. Nhưng chính Chúa Giê-su lại bảo các môn đệ, “chính các con hãy cho họ ăn.” Các môn đệ thật thà đáp, “ở đây chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá.” Câu trả lời cho thấy các môn đệ Chúa hoàn toàn không nghĩ rằng Ngài sẽ làm phép lạ. Chúa bảo các môn đệ đem đến cho Ngài những gì họ có. Chúa truyền cho các môn đệ bảo đám đông dân chúng ngồi xuống bãi cỏ. Ngài lấy năm cái bánh và hai con cá; ngước mắt lên trời tạ ơn, và bẻ ra đưa cho môn đệ, để họ phân phát cho đám đông. Ma-thi-ơ ghi chép không những cả đám đông dân chúng ăn no nê nhưng bánh vụn còn thừa chứa đến mười hai giỏ đầy. Số người ăn có thể lên đến mười ngàn người nếu kể cả phụ nữ và trẻ em.
Khi ghi chép phép lạ này tác giả Phúc âm muốn chúng ta thấy điều gì? Trước hết chúng ta thấy Ma-thi-ơ ghi chép bữa ăn nơi đồng cỏ đi liền theo bữa tiệc sinh nhật của vua Hê-rốt. Ma-thi-ơ muốn độc giả thấy sự tương phản giữa hai biến cố:
1/ Bữa tiệc của vua Hê-rốt dành cho những quan quyền quan trọng. Bữa ăn của Chúa dành cho đám đông dân chúng.
2/ Vua Hê-rốt tổ chức bữa tiệc cho chính mình. Chúa Giê-su, vua Mê-si-a cung cấp thức ăn cho đám đông dân chúng.
3/ Bữa tiệc của vua Hê-rốt là thịnh soạn, xa hoa và có thể dâm đảng. Bữa ăn của đám đông thanh đạm nhưng no đủ và vui vẻ.
4/ Vua thế gian chỉ quan tâm đến mình, thỏa mãn dục vọng của mình; vua Mê-si-a quan tâm chu cấp đầy đủ cho đám đông dân chúng.
Qua biến cố này chúng ta thấy gì nơi các Sứ Đồ? Vào thời điểm này chúng ta thấy vài điều nơi các Sứ Đồ:
1/ Các môn đệ của Chúa vẫn chưa biết gì về thần tính của Chúa Giê-su. Họ hoàn toàn không ngờ rằng Chúa sẽ làm phép lạ hóa bánh cho đám dân đông đảo kia ăn.
2/ Các môn đệ dù không biết Ngài sẽ làm gì nhưng họ vâng lời Chúa.
3/ Cậu bé và các môn đệ sẵn sàng dân cho Chúa những gì mình có.
Qua biến cố này chúng ta học được điều gì về Chúa Giê-su?
1/ Chúa Giê-su không muốn đối diện trực tiếp với giới cầm quyền thế tục.
2/ Chúa Giê-su là Đấng yêu thương nhân từ; Ngài động lòng thương xót khi thấy đám đông đi theo Ngài.
3/ Chúa Giê-su quan tâm, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho dân chúng.
4/ Chúa Giê-su có quyền năng sáng tạo; đây là dấu hiệu chứng tỏ Ngài là Đấng Mê-si-a.
Chúa Giê-su bảo các môn đệ không cần đi đâu cả, “chính các con hãy cho họ ăn.” Các môn đệ không hiểu họ sẽ cho đám đông dân chúng ăn bằng cách nào. Mác cho biết thêm chi tiết, các môn đệ tính nhẫm, họ cần 200 đồng đê-na-ri (trị giá khoảng một năm lương công nhật của một người thời ấy), tức là họ cần một số tiền lớn mà có lẽ họ không có. Các môn đệ chỉ thấy những điều họ không có.
Chúa Giê-su bảo các môn đệ “chính các con hãy cho họ ăn” và Ngài vận dụng quyền năng siêu nhiên để làm năm ổ bánh và hai con cá thành bánh và cá đủ cho trên năm ngàn người ăn no. Bài học mà các môn đệ và chúng ta học được từ biến cố này là gì?
1/ Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời toàn năng. Ngài là Đấng Tạo Hóa (Giăng 1:1-5) sáng tạo mọi vật.
2/ Chúa quan tâm đến nhu cầu thể chất của chúng ta và Ngài sẵn sàng chu cấp đầy đủ nhu cầu vật chất cho con dân Chúa.
3/ Bữa ăn trong đồng vắng này nhắc nhở dân Israel rằng Đức Chúa Trời đã chu cấp cho tổ tiên họ thức ăn (ma-na) trong sa mạc khi họ đi vào đất hứa.
4/ Bữa ăn thanh đạm trong đồng hoang này chỉ về sự đơn sơ, tạm bợ so với tiệc cưới Chiên Con mà Chúa đang sắm sẵn cho con dân Ngài trên thiên đàng. (Khải 19:6-9)
5/ Loài người sống không phải chỉ nhờ bánh (cơm gạo) nhưng nhờ Kinh Thánh, Lời của Đức Chúa Trời. Hãy siêng năng học hỏi Lời Chúa và sẵn sàng để nuôi dân Chúa qua sự giảng dạy Lời Chúa.
Áp dụng
1/ Hãy tin tưởng và nương cậy Chúa để sống vì Ngài quan tâm, chăm sóc chúng ta.
2/ Hãy trình mọi nhu cầu của mình, cả vật chất lẫn tâm linh, cho Chúa vì Ngài là Đấng yêu thương, chăm sóc chúng ta.
3/ Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời hằng hữu, Ngài đang sống và hướng dẫn chúng ta làm công việc Ngài. Hãy vâng lời Chúa dù bạn chưa hiểu hết mọi sự.
4/ Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta mọi sự cần dung.
5/ Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta sự sống vĩnh phúc trong Con Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-su.
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Tại sao Chúa Giê-su đi tránh vào nơi thanh vắng khi nghe tin vua Hê-rốt cho người chém đầu Giăng Báp-Tít trong ngục?
2/ Khi thấy đám đông dân chúng đi theo mình vào nơi đồng vắng, thái độ của Chúa là gì?
3/ Chúa Giê-su đã làm gì khi thấy đám đông dân chúng theo Ngài vào đồng vắng ?(Lu-ca 9:11)
4/ Tại sao con dân Chúa nên vâng lời Chúa dù mình chưa hiểu biết mọi sự?
5/ Chúa truyền cho Phê-rơ cũng như tất cả môn đệ Chúa, “Hãy nuôi dưỡng các chiên con của ta” nghĩa là gì? Và bằng cách nào?