Bài 21 – Giọng Miền Nam
Bài 21 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Sự chết là kết cuộc đau khổ nhất mà loài người phải chịu. Từ ngàn xưa cho đến nay loài người vẫn tìm kiếm giải pháp chiến thắng bệnh tật và cái chết nhưng chưa có ai và giải pháp nào hoàn toàn hữu hiệu.
Trong đoạn này Ma-thi-ơ cho chúng ta thấy Chúa Giê-su không những chỉ chữa lành bệnh tật nhưng Ngài cũng cứu người chết sống lại.
I.Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời cứu sống người chết
Ma-thi-ơ tuần tự cho chúng ta thấy Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, Đấng có quyền trên sự sống và sự chết.
Viên quản lý hội đường là một trong những người trưởng lão lãnh đạo hội đường. Có lẽ ông đã nghe về những phép lạ Chúa Giê-su đã làm nên ông tin rằng Chúa Giê-su có quyền cứu sống con gái mình. Ở đây chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su đã đáp ứng đức tin của người cha cầu xin cho con gái mình. Ngày nay lời cầu xin, chúc phước của cha mẹ, ông bà cho con cháu trong danh Chúa cũng được Ngài nhậm lời. Chúa Giê-su chấp nhận lời cầu xin của người quản lý hội đường và cùng môn đệ đi đến nhà người quản lý.
Khi Chúa Giê-su đang đi, có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm, đến phía sau và sờ gấu áo Ngài. Lu-ca, trước giả Phúc Âm Lu-ca theo nghề nghiệp là một y sĩ, đã ghi thêm chi tiết, “không ai chữa trị được”.
Người đàn bà bị bệnh này có đức tin nơi Chúa Giê-su nhưng bà không dám cầu xin Chúa công khai vì theo truyền thống Do Thái bà là người ô uế. Những giáo sư (ra-bi) Do Thái giáo và người sùng đạo Do Thái tránh tiếp xúc với những người như bà. Người đàn bà bệnh tật này sợ rằng Chúa Giê-su cũng giống như những giáo sư Do Thái giáo khác. Vì thế bà lén lút đến phía sau lưng và chỉ sờ vào gấu áo Ngài.
Chúa Giê-su biết có quyền năng từ Ngài phát ra; Ngài quay lại bảo người đàn bà: “Con ơi, hãy vững tâm, đức tin con đã chữa lành cho con.” Chúa Giê-su đã không quở trách người đàn bà kia vì có thể gây ô uế cho Ngài nhưng Chúa đã an ủi và xác nhận đức tin của bà đã giúp bà được lành bệnh. Chúa Giê-su là Đấng hoàn toàn thánh thiện nhưng Ngài cũng là Đấng yêu thương và đầy ân huệ. Gia-cơ cho chúng ta biết ngày nay Chúa vẫn chữa bệnh cho con dân Chúa qua sự xức dầu và cầu nguyện của trưởng lão (mục sư) và hội thánh Chúa: “Có ai trong anh chị em yếu đau, hãy mời các trưởng lão của hội thánh đến, để họ nhân danh Chúa xức dầu rồi cầu nguyện cho mình. Lời cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu chữa người bệnh; Chúa sẽ đỡ người ấy dậy. Nếu người bệnh phạm tội cũng sẽ được tha.” Gia-cơ 5:14-15
Khi Chúa đến nhà người quản lý hội đường, Ngài thấy nhiều người xôn xao và ban nhạc nhà đám đã đến; có lẽ người nhà viên quản lý hội đường đã mời ban nhạc nhà đám đến để chuẩn bị đám tang chôn cất. Chúa Giê-su cho đuổi hết đám đông ra ngoài và Ngài tuyên bố, “Đứa bé này không chết đâu, nhưng nó đang ngủ.” Ma-thi-ơ ghi nhận rằng đám đông đã chế nhạo Chúa vì họ biết đứa bé đã chết. Chúa Giê-su đã dùng từ ngữ “ngủ” với cả hai ý nghĩa. Từ ngữ “ngủ trong Chúa” từ đó về sau được dùng để chỉ người tín hữu qua đời, về với Chúa và sẽ sống lại trong ngày sống lại tổng quát và ở cùng Chúa vĩnh hằng. Đám đông không hiểu ý nghĩa thiêng liêng nên chỉ hiểu theo nghĩa đen, tức là giấc ngủ bình thường.
Chúa Giê-su đến cầm tay em bé thì nó sống lại và ngồi dậy. Tin tức Chúa Giê-su cứu sống con viên quản lý hội đường được đồn ra khắp vùng.
Chúa Giê-su đã đáp ứng đức tin của người cha và cứu sống con gái người.
II.Chúa Giê-su là Con Vua Đa-vít chữa lành người mù
Con Vua Đa-vít là danh hiệu của Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời hứa ban cho dân Israel qua dòng dõi của vua Đa-vít. (Thi 132:11) Tuy nhiên vào thời đầu Công Nguyên người Do Thái đang mong chờ một Vua Mê-si-a, theo ý nghĩa quân sự và chính tị. Họ nghĩ rằng Vua Mê-si-a đến để giải phóng họ khỏi ách đô hộ của đế quốc La Mã. Người ta không thấy ý nghĩa thuộc linh nơi Đấng Mê-si-a của Đức Chúa Trời, là Đấng đến để cất tội lỗi của nhân loại đi mà chỉ mong đợi phúc lành vật chất qua sự hùng cường, thịnh vượng của quốc gia dưới sự cai trị của vua Mê-si-a.
Tiên tri I-sa 35:5-6 đã tiên báo vào thời của Đấng Mê-si-a người mù sẽ thấy, người điếc sẽ nghe và người què sẽ nhảy như nai. Chúa Giê-su trong khi thi hành chức vụ đã chứng tỏ rằng thời đại Mê-si-a đã đến vì Ngài đang thực hiện những điều này.
Chúa Giê-su không đáp lời cầu xin của hai người mù cho đến khi vào nhà. Nhà ở đây có thể là nhà của Phê-rơ hay nhà của Chúa ở Ca-pha-na-um. Chúa không muốn lôi cuốn đám đông trong lúc này vì đám đông dân chúng đang mong đợi một Đấng Mê-si-a quân sự. Như thế giới lãnh đạo Do Thái và chính quyền La Mã sẽ can thiệp trước khi Ngài hoàn thành chức vụ vì họ sợ dân chúng nổi lên chống chính quyền.
Chúa Giê-su hỏi hai người mù không phải vì Ngài không biết nhưng là để xác nhận đức tin của họ về Ngài là Đấng Mê-si-a. Chúa đã chữa lành hai người mù bằng cách sờ tay vào mắt họ. Đây chỉ là một trong nhiều cách Chúa Giê-su đã dùng để chữa lành nhiều bệnh tật khác nhau. Chúa không sử dụng một cách duy nhất nào như một loại bùa, thần chú của những thầy chữa bệnh khác; đôi khi Chúa chỉ phán một lời từ xa để chữa lành bệnh tật.
Chúa phán: “Hãy sáng mắt như các ngươi đã tin.” Chúa là Đấng Mê-si-a mà hai người mù đã tin; chính Ngài đã chữa lành cho hai người mù này chứ không phải đức tin của hai người này chữa lành cho họ. Đức tin nơi Chúa Giê-su là phương tiện để Chúa quyền năng chữa lành và giải cứu chúng ta thoát khỏi mọi tội lỗi cũng như các bệnh tật, đau yếu.
Sau khi hai người mù được chữa lành, Chúa nghiêm nghị dặn họ không nên nói cho người khác biết phép lạ này vì Chúa không muốn lôi cuốn thêm đám đông trong lúc này. Nhưng vì quá vui mừng, phấn khởi, hai người này đã không vâng lời Chúa.
III.Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời có quyền trên ma quỷ
Danh tiếng của Chúa Giê-su được truyền bá rộng rãi khắp vùng. Ma-thi-ơ chọn ghi lại một phép lạ khác liên quan đến ma quỷ.
Ma quỷ không phải là linh hồn những người chết mà là các thiên sứ ác đi theo Sa-tan, một thiên sứ trưởng, phản loạn lại cùng Đức Chúa Trời. (Ê-xê-chi-ên 28:18; Mat 25:41; Khải 12:4) Ma quỷ là những tà linh nhưng chúng nó thích xâm nhập và chế ngự con người. Hiện tượng người bị quỷ ám được Kinh Thánh ghi nhận nhiều lần. Ngày nay người ta ghi nhận tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Người ta đem đến cho Chúa Giê-su một người bị quỷ ám làm cho câm, không nói được. Ma-thi-ơ không nói rõ Chúa đã đuổi quỷ ra khỏi người đó bằng cách nào; chỉ cho biết quỷ bị đuổi ra khỏi người bị quỷ ám và người đó nói được trở lại. Dân chúng vô cùng ngạc nhiên về quyền uy của Chúa Giê-su trên ma quỷ.
Pha-ri-si là nhóm người Do Thái chủ trương gìn giữ Kinh Luật hết sức nghiêm túc theo từng chi tiết nhỏ nhặt vì thế họ tự phân rẽ mình ra với người Sa-đu-sê thuộc giới cai trị dòng thầy tế lễ và với đa số dân chúng. Vào đầu Công Nguyên, người Pha-ri-si là nhóm người giáo sư Kinh Luật có nhiều ảnh hưởng trong hội đồng quốc gia Do Thái.
Những người Pha-ri-si thấy phép lạ Chúa Giê-su thực hiện và Ngài trở nên nổi tiếng khắp vùng nên họ trở nên ganh tị và ghen ghét với Chúa. Để giải thích uy quyền Chúa Giê-su thể hiện trong việc đuổi quỷ mà ai nấy đều chứng kiến, người Pha-ri-si đã mù quáng cho rằng Chúa Giê-su đã nhờ cậy “chúa quỷ để trừ quỷ.” Về tội này Mác ghi rõ Chúa Giê-su đã phán với những người Pha-ri-si kia, “Mọi tội lỗi loài người phạm đều có thể tha được, kể cả những lời phạm thượng. Nhưng ai phạm thượng chống Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng bao giờ được tha mà phải mắc tội muôn đời.” Mác 3:28-29
Kinh Thánh ghi chép nhiều lần Chúa Giê-su trong thân xác con người đã nhờ cậy Đức Thánh Linh để thi hành chức vụ, chữa bệnh, trừ quỷ, nhưng những kẻ vô tín, mù quáng đã phạm thượng cho rằng Chúa Giê-su nhờ quỷ để trừ quỷ. Hay nói một cách khác những người Pha-ri-si kia đã cho rằng Đức Thánh Linh là quỷ. Chúa Giê-su xác nhận rằng khi một người coi Đức Thánh Linh, Ngôi Ba của Đức Chúa Trời là quỷ thì không còn ai; không còn ân huệ nào khác để tha thứ tội lỗi cho họ.
Áp dụng
1/Hãy tin cậy Chúa Giê-su trên mọi lãnh vực trong cuộc sống vì Chúa Giê-su là Đấng duy nhất có quyền trên sự sống và sự chết.
2/ Hãy lấy đức tin mà cầu nguyện, chúc phước cho con cháu của bạn. Vì Chúa đáp lời cầu nguyện của những bậc cha mẹ, ông bà có đức tin nơi Ngài.
3/ Chúa chúng ta là Đấng yêu thương, đầy ân huệ; Ngài không quở trách người biết tin cậy Ngài dù sự hiểu biết về Ngài chưa hoàn hảo.
4/ Đức Thánh Linh là Đấng đang ở trong lòng con dân tin Chúa. Người thật sự tin Chúa sẽ không sợ bị quỷ ám vì “Hỡi các con bé nhỏ, các con thuộc về Đức Chúa Trời và đã chiến thắng chúng nó, vì Đấng ở trong các con vĩ đại hơn kẻ ở trong thế gian.” 1Giăng 4:4
5/ Người đã tin Chúa Giê-su làm Đấng cứu rỗi và Chủ tể đời sống mình thì sẽ không bao giờ phạm tội phạm thượng chống Đức Thánh Linh.
Hãy học tập, trau dồi đức tin để ngày càng trở nên mạnh mẽ, trưởng thành hơn trong Chúa.
Câu hỏi thảo luận
1/Theo bạn, ai là Đấng có quyền chủ tể trên sự sống và sự chết? Tại sao bạn tin như thế?
2/ Tại sao người đàn bà bị bệnh xuất huyết không dám cầu xin Chúa Giê-su chữa bệnh cho mình?
3/ Lời an ủi, khuyến khích và sự chữa lành cho người đàn bà mắc bệnh xuất huyết chứng tỏ điều gì về Chúa Giê-su?
4/ Chúa Giê-su đã làm những gì để ứng nghiệm lời tiên tri I-sa 35:5-6 về thời đại Đấng Mê-si-a?
5/ Tại sao tội phạm thượng cùng Đức Thánh Linh là tội không được tha thứ? Một tín hữu thật của Chúa có thể phạm tội này không? Tại sao?