Bài 3 – Giọng Miền Nam
Bài 3 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Thông thường một vị vua thì phải sinh ra nơi hoàng cung tại thủ đô. Nhưng Chúa Giê-su được sinh ra tại Bết-lê-hem, cách Giê-ru-sa-lem chừng vài dặm về phía nam. Bết-lê-hem trước đây cũng được gọi là thành Đa-vít, tổ tiên vua Đa-vít sống tại làng này. Kinh Thánh cũng tiên báo rằng Đấng Mê-si-a sẽ ra đời tại đây. Mi-ca 5:2
Vua Hê-rốt có dòng máu I-đu-mê tuy được đế quốc La Mã phong vương cai trị xứ Giu-đê nhưng không được người Do Thái ủng hộ. Vua Hê-rốt là người nổi tiếng đa nghi, vua giết cả vợ con vì nghi ngờ họ phản loạn cùng ông.
Khi Chúa Giê-su giáng sinh có mấy nhà thông thái từ phương đông tìm đến để chiêm bái. Những người này có thể là những người tư tế , chuyên nghiên cứu về chiêm tinh và là những người trí thức thời bấy giờ. Từ ngữ phương đông chỉ về vùng phía đông của Do Thái, co thể là Sy-ri, A-ra-bi hay Ba-by-lôn…Những người này nhờ thấy ngôi sao lạ nên cho rằng một vị quân vương đã ra đời. Làm thế nào những nhà thông thái này biết rằng đấng quân vương kia đã ra đời tại nước Do Thái. Có thể là ánh sáng của ngôi sao chiếu về hướng Giu-đê. Ngoài ra những người này cũng có thể tham khảo với cộng đồng Do Thái tại vùng này, đặc biệt là những người Do Thái bị lưu đày thời Ba-by-lôn, để biết rằng người Do Thái đang mong chờ Đấng Mê-si-a của họ đến.
A.Tìm kiếm Chúa hết lòng
Những nhà thông thái này là những người hết lòng tìm kiếm Đấng quân vương để tôn thờ vì từ Ba-by-lôn (I-ran, Iraq ngày nay) đến xứ Do Thái là một đoạn đường rất xa; mất rất nhiều thì giờ. Phương tiện di chuyển thời bấy giờ là lừa hay lạc đà, vì thế người ta không thể di chuyển nhanh và thoải mái như ngày nay.
Trong khi đó các thầy tế lễ và giáo sư Kinh Luật Do Thái khi được vua Hê-rốt hỏi về Đấng Cứu Thế, họ biết ngay rằng Đấng Mê-si-a sẽ ra đời tại Bết-lê-hem, chỉ cách Giê-ru-sa-lem chừng vài đặm về phía nam. Tuy nhiên, dù biết như thế nhưng các thầy tế lễ và giáo sư Kinh Luật không hề quan tâm tìm kiếm Đấng Cứu Thế.
Vua Hê-rốt thì quan tâm và dặn dò những nhà thông thái khi tìm được, hãy cho vua hay để vua cũng đến tôn thờ Ngài. Vua quan tâm vì lo sợ bị mất ngôi; vua nói dối với các nhà thông thái vì âm mưu định hủy diệt Đấng Cứu Thế.
Kinh Thánh ghi lại những điều này để cho chúng ta thấy rằng những người hết lòng tim kiếm Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn và cho họ gặp được. Còn đối với con dân Chúa, Đức Chúa Trời hứa rằng: “Khi các ngươi kêu cầu Ta, khi các ngươi đến với Ta và nài khẩn Ta, Ta sẽ nhậm lời các ngươi. Các ngươi sẽ tìm kiếm Ta và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng.” Giê-rê-mi 29:12-13
Các nhà thông thái ra khỏi hoàng cung, tiếp tục tìm kiếm Chúa Cứu Thế. Ngôi sao lạ lại xuất hiện và hướng dẫn phái đoàn đến tận nơi Chúa Giê-su đang cư ngụ.
Các giáo phụ thời hội thánh đầu tiên cho rằng ngôi sao là một ngôi sao chổi vào năm thứ 4 TCN. Một số người khác cho rằng đây là hiện tượng khi sao Mộc (Jubiter) và sao Thổ (Saturn) ở trên một trục thẳng từ mặt trời đến quả đất vào năm thứ 7 TCN.
B.Dâng hiến cho Chúa điều tốt nhất: vàng, trầm hương và một dược
Các nhà thông thái vào nhà thấy con trẻ và Ma-ri, mẹ Ngài. Những người này quỳ xuống thờ lạy Chúa Giê-su và dâng cho Ngài các lễ vật quý báu nhất thời ấy.
Vàng là một quý kim trong mọi thời đại. Vàng cũng là biểu tượng của vua chúa.
Trầm hương là một loại hương liệu có mùi thơm được sử dụng trong sư thờ phượng tại đền thờ Chúa. Trầm hương được trộn với dầu và xức cho thầy tế lễ trong lễ phong chức. Trầm hương cũng được trộn với của lễ chay dâng lên Chúa như là của lễ tạ ơn. Phao-lô so sánh số tiền tín hữu hội thánh Phi-líp dâng để hỗ trợ ông trong công tác truyền giáo như hương thơm, như lễ vật dâng hiến có mùi thơm dâng lên cho Chúa.(Phi-líp 4:18)
Một dược: Loại dược thảo dùng để ướp xác và làm thuốc tê để giảm sự đau đớn.
Đối với chúng ta ngày nay, đây là một tặng phẩm hơi lạ. Tuy nhiên quan sát toàn thể đời sống và sứ mạng của Chúa Cứu Thế chúng ta thấy các tặng phẩm đều là những biểu tương quan trọng. Vàng biểu tượng cho vua chúa; Trầm hương biểu tượng cho thấy tế lễ và một dược biểu tượng cho sự hy sinh của Đấng Cứu Thế.
Nói chung các nhà thông thái từ phương đông đã hết lòng tìm kiếm Đấng Cứu Thế nên Chúa cho họ gặp Ngài. Khi gặp được Chúa Cứu Thế những người khôn ngoan này đã dâng những lễ vật quý giá nhất cho Ngài.
C.Thờ phượng Đấng chân thần
Điều quan trọng chúng ta cần chú ý ở đây, Kinh Thánh ghi rõ những nhà thông thái quỳ xuống thờ lạy Chúa Giê-su (Không phải bà Ma-ri). Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời Ngôi Hai (Giăng 1:1-5), là Đấng duy nhất loài người đáng phải thờ phượng.
Người khôn ngoan thật là người nhận biết, tin tưởng và thờ phượng Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật.
Các nhà thông thái được Chúa báo mộng và hướng dẫn đi về quê hương bằng một con đường khác; không phải trở lại Giê-ru-sa-lem để gặp vua Hê-rốt.
Những người hết lòng tin cậy và thờ phượng Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn và bảo vệ, gìn giữ đời sống của họ.
Áp dụng
1/Hãy cảm tạ Chúa vì bạn đã được nghe chia sẻ Tin Lành và bằng lòng tin nhận Chúa Giê-su làm Đấng cứu rỗi và Chủ tể đời sống mình. Bạn đang có sự sống vĩnh phúc và là con dân Nước Thiên Đàng.
2/ Hãy hết lòng tìm kiếm Chúa và thánh ý của Ngài cho đời sống bạn; Chúa sẽ đáp lời cầu xin của bạn.
3/ Chúa đã tha thứ hết tội lỗi của bạn và ban cho bạn sự sống đời đời; đó là điều quý giá nhất trên trần gian này. Hãy dâng những điều quý giá nhất cho Chúa và phục vụ Chúa.
4/ Người hết lòng tin cậy, thờ phượng và vâng lời Chúa sẽ được Chúa hướng dẫn và bảo vệ trong cuộc sống.
Câu hỏi thảo luận
1/ Tại sao các nhà thông thái từ phương đông đến Giê-ru-sa-lem để tìm Đấng Cứu Thế?
2/ Tại sao vua Hê-rốt và cả thành Giê-ru-sa-lem bối rối?
3/ Các thầy tế lễ và giáo sư Kinh Luật Do Thái có biết Đấng Cứu Thế (Mê-si-a) sẽ đến thế gian tại đâu không? Phản ứng của họ là gì?
4/ Các nhà thông thái đã dâng cho Chúa Giê-su những gì? Ý nghĩa biểu tượng của những lễ vật này là gì?
5/ Tại sao Chúa báo mộng và hướng dẫn những nhà thông thái về quê hương của họ bằng con đường khác mà không trở lại Giê-ru-sa-lem để gặp vua Hê-rốt?