Bài 17 – Giọng Miền Nam
Bài 17 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Trong chương tám và chương chín Ma-thi-ơ ghi lại những phép lạ Ngài thi hành, đa số là phép lạ chữa lành bệnh tật. Ma-thi-ơ không theo thứ tự thời gian nhưng ông ghi lại một loạt những phép lạ để chứng tỏ rằng Chúa Cứu Thế là Đấng quyền năng, là Con Đức Chúa Trời hay Đấng Mê-si-a mà Kinh Thánh Cựu Ước đã nói đến.
I.Chúa chữa lành người phung
Phung là căn bệnh ngoài da nhưng theo thời gian chứng bệnh này sẽ hủy hoại thân thể người bệnh cho đến chết. Lúc bấy giờ phung là chứng bệnh nan y, người ta chưa có thuốc chữa trị. Bệnh phung cũng là bệnh hay lây, vì thế người bị bệnh phung phải bị biệt lập, xa cách những người khác và bị phân cách khỏi cộng đồng xã hội. Về phương diện tôn giáo, người phung bị kể là ô uế và khi đến gần một ai người phung phải kêu lên, “ô uế, ô uế” để người ta tránh xa vì người nào tiếp xúc với người phung có thể lây bệnh và bị kể là ô uế. Phung là căn bệnh nan y khủng khiếp. Về phương diện xã hội người bị bệnh phung bị coi như người đã chết.
Ma-thi-ơ ghi chép, người phung đến, quỳ gối cầu xin Chúa, “Thưa Chúa, nếu Chúa muốn, Ngài có thể chữa lành cho con.” Có lẽ người phung này đã nghe đồn về những phép lạ Chúa Giê-su đã làm nên ông mới xin như thế. Người phung này tin rằng Chúa Giê-su có quyền năng chữa lành cho mình nhưng ông không biết Chúa Giê-su có muốn chữa lành cho ông không. Lúc bấy giờ Đức Giê-su được người ta coi như một ra-bi, tức là một giáo sư Do Thái giáo. Đây là những người sùng kính, rất quan tâm đến sự thánh khiết và dĩ nhiên là họ rất sợ bị lây ô uế từ người phung, nên hành động tự nhiên của những ra-bi Do Thái là tránh xa và không muốn đụng đến người phung.
Chúa Giê-su là một ra-bi Do Thái khác thường, Ngài đưa tay ra sờ người phung và phán: “Ta muốn, hãy lành bệnh.” Ghi lại biến cố này Ma-thi-ơ muốn cho những người Do Thái thời bấy giờ và cả nhân loại biết rằng:
1/ Chúa Giê-su là Đấng đầy lòng nhân từ, yêu thương. Ngài muốn chữa lành cho người phung khốn khổ kia. Thật ra các sách Phúc Âm và cả Kinh Thánh Tân Ước cho thấy Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế Giê-su rất yêu thương nhân loại và muốn giải cứu loài người tội lỗi ra khỏi sự chết đời đời.
2/ Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, Ngài có quyền năng chữa lành bệnh nan y mà loài người lúc ấy chưa có khả năng chữa bệnh này.
3/ Chúa Giê-su là Đấng thánh thiện, khi Chúa đụng đến người phung, không những Ngài chữa lành cho người bệnh nhưng Ngài cũng làm cho người này không còn bị ô uế nữa.
Hãy để cho Chúa Giê-su đụng đến tấm lòng và tâm hồn của chúng ta. Khi một người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su vào lòng, người đó sẽ được tái sinh, được trở nên con dân Nước Đức Chúa Trời (Giăng 1:12-13) và nhờ đức tin nơi Chúa, chúng ta sẽ được huyết của Chúa Cứu Thế thanh tẩy hết mọi tội lỗi chúng ta đã phạm. (Êph 1:7-8)
Chúa bảo người phung vừa được chữa lành hãy đi trình diện cùng thầy tế lễ để thầy tế lễ chứng nhận rằng người này không còn bệnh phung nữa và được phép trở về cùng gia đình, xã hội. Tuy nhiên Chúa cũng bảo người kia đừng cho ai biết rằng Chúa đã chữa lành cho ông ta, vì vào lúc này,
-Chúa không muốn chính quyền chú ý vì Ngài đã lôi cuốn đám đông dân chúng.
-Chúa không muốn việc chữa bệnh trở thành ưu tiên hàng đầu, cản trở công việc truyền giảng Phúc Âm và dạy dỗ Lời Chúa. (Mat 9:35; Mác 1:45)
II.Chúa chữa lành cho người đầy tớ của viên đội trưởng
Ở tại Ca-pha-na-um có một đồn quân La Mã. Viên đội trưởng này có thể là người trưởng đồn. Đội trưởng là sĩ quan chỉ huy một trăm binh sĩ trong quân đội La Mã. Viên đội trưởng và người đầy tớ của ông là người ngoại quốc. Ma-thi-ơ ghi lại câu chuyện này để cho thấy Chúa Giê-su đến thế gian để cứu rỗi nhân loại (muôn dân) chứ không phải chỉ cứu người Do Thái.
Viên đội trưởng đến xin Chúa Giê-su chữa bệnh cho người đầy tớ của mình đang bị bệnh bại liệt, đau đớn vô cùng. Chúa Giê-su phán: Ta sẽ đến chữa lành cho nó. Nhưng viên đội trưởng La Mã tin rằng Chúa Giê-su có thẩm quyền cao cả, Ngài “chỉ truyền một lời, đầy tớ tôi sẽ được lành.” Viên đội trưởng này ý thức được địa vị thấp kém của mình trước mặt Chúa Cứu Thế nên ông nói rằng, “thưa thầy, tôi không xứng đáng tiếp thầy vào nhà.” Ngoài ra viên đội trưởng này nghĩ rằng Chúa Giê-su cũng như những vị ra-bi Do Thái khác, họ coi người ngoại quốc là ô uế và không muốn tiếp xúc với người ngoại.
Đội trưởng là sĩ quan trong quân đội La Mã, người ở dưới quyền của hoàng đế La Mã, người có thẩm quyền tuyệt đối trong đế quốc La Mã thời bấy giờ. Viên đội trưởng này tin rằng Chúa Giê-su có thẩm quyền tuyệt đối trên bệnh tật vì thế Ngài chỉ cần phán một tiếng thì đầy tớ ông sẽ được lành bệnh.
Chúa Giê-su đã ngạc nhiên để thấy một người ngoại quốc mà có đức tin lớn lao như thế và Ngài cũng cho các môn đệ biết sẽ có nhiều người từ phương Đông, phương Tây có đức tin lớn và được ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, những quốc tổ của người Y-sơ-ra-ên, trên Thiên Đàng. Nhiều môn đệ của Chúa Cứu Thế Giê-su từ nhiều dân tộc trên thế giới trong lịch sử hội thánh đã minh chứng cho lời tiên tri này.
Các sách Phúc Âm và Kinh Thánh Tân Ước cũng ghi nhận một sự kiện khác mà Chúa Giê-su đã nói đến ở đây. Nhiều người đã thấy, đã nghe chính Chúa Cứu Thế Giê-su giảng dạy và làm nhiều phép lạ, tức là đã được đặc ân lớn lao hơn nhiều người khác trên thế giới, nhưng họ vẫn không tin Ngài nên phải bị ném vào hồ lửa, vực sâu. Chúa Giê-su đã phán: “Phước cho những người chưa được thấy mà đã tin Ta.” Giăng 20:29
Chúa Giê-su bảo viên đội trưởng, “Hãy đi, ngươi sẽ được như điều mình tin.” Ngay giờ đó người đầy tớ của viên đội trưởng được lành bệnh. Chúa Giê-su đã bày tỏ quyền năng của Ngài qua lời nói, Chúa không cần phải đến tận nơi hay sờ vào người bệnh.
III.Chúa chữa bệnh cho bà gia của Phê-rơ và nhiều người khác
Sứ Đồ Giăng cho biết Phê-rơ quê ở Bết-sai-đa (Giăng 1:44) nhưng lúc này ông và gia đình đã di chuyển về Ca-pha-na-um vì Ma-thi-ơ ghi, Chúa Giê-su vào nhà Phê-rơ và thấy mẹ vợ của Phê-rơ đang bị sốt, nằm trên giường bệnh. Điều này cũng cho thấy Phê-rơ có gia đình và mẹ vợ của ông cũng đang ở chung trong nhà.
Chúa Giê-su chỉ nắm tay bà cụ mẹ vợ Phê-rơ để đỡ bà đứng dậy, thì bà liền được lành bệnh. Ngay khi được lành bệnh, bà cụ liền lo tiếp đãi Chúa; thật là một tấm gương phục vụ quý báu.
Nghe danh tiếng Chúa Giê-su người ta đem đến cho Ngài nhiều người bệnh tật và bị quỷ ám; Chúa đều chữa lành bệnh tật cho họ.
Ma-thi-ơ nhận thấy đời sống và chức vụ của Chúa Giê-su hoàn toàn ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước. Tiên tri I-sa (chương 53) đã tiên báo sự hy sinh, chịu khổ, chịu chết của Tôi Tớ Thánh của Chúa để giải thoát con người ra khỏi mọi bệnh tật, đau khổ và chết chóc do tội lỗi gây ra. Kinh Thánh Cựu Ước thường dùng bệnh tật như là biểu tượng của tội lỗi.
Áp dụng
1/ Chúa chúng ta là Đấng quyền năng nhưng cũng đầy tình yêu thương.
Hãy tin cậy Chúa và đến với Ngài để Ngài:
-Tha thứ mọi tội lỗi chúng ta
-Chữa lành mọi bệnh tật, đau ốm về tâm linh, tinh thần, thể xác của chúng ta.
2/ Chúng ta là những người từ phương Đông, hãy có đức tin nơi Chúa Giê-su như viên đội trưởng người Tây phương này.
3/ Chúng ta là những người tin Chúa, được Chúa tha thứ mọi tội lỗi xấu xa, ban cho sự sống vĩnh phúc. Chúng ta hãy đứng lên, phục vụ Chúa theo ngành, nghề, khả năng, ân tứ Chúa đã ban cho bạn.
Câu hỏi thảo luận
1/ Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh phung chứng tỏ điều gì về Ngài.
2/ Hành động sờ người phung nói lên điều gì về Chúa Giê-su ?
3/ Tại sao Chúa Giê-su không muốn người phung được chữa lành kia đồn ra tin này?
4/ Tại sao Chúa Giê-su khen ngợi đức tin của viên đội trưởng La Mã kia?
5/ Ngày nay bạn có muốn Chúa phán với mình, “Hãy đi, ngươi sẽ được như điều mình tin.” không? Chúng ta phải làm gì để được như vậy?