Bài 41 – Giọng Miền Nam
Bài 41 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Vào thời điểm này các môn đệ đã theo Chúa một thời gian khá lâu. Sứ Đồ Giăng cho thấy có nhiều người không hiểu những sự dạy dỗ của Chúa nên đã rút lui, không theo Ngài nữa. (Giăng 6:66) Những người tin Chúa thì Ngài sẽ bày tỏ về Ngài và chương trình của Ngài cho họ.
I.Lời tuyên xưng của Phê-rơ
Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài tách rời khỏi đám đông và đi về miền Sê-sa-rê Phi-líp ở phía bắc của Ga-li-lê. Trong khi ở riêng với các môn đệ Chúa hỏi họ: Dân chúng nói chung thì cho rằng Ngài là ai? Các môn đệ cho biết có nhiều quan điểm về Chúa Giê-su, một số người cho rằng Chúa Giê-su là Giăng Báp-tít sống lại; một số khác cho rằng Ngài là tiên tri Ê-li đã trở lại thế gian như lời tiên tri Ma-la-chi đã tiên báo. (Ma-la-chi 4:5-6) Một số khác cho rằng Ngài là tiên tri Giê-rê-mi hay một tiên tri của Chúa. Chúa Giê-su hỏi, còn chính các con thì cho rằng Ngài là ai? Phê-rơ đại diện cho các Sứ Đồ tuyên bố: “Thầy là Chúa Cứu Thế (Đấng Christ), Con Đức Chúa Trời hằng sống.” Chúa Cứu Thế (Đấng Christ, Mê-si-a) là Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu và hứa sẽ sai đến thế gian để thi hành sứ mệnh cứu rỗi của Ngài. “Con Đức Chúa Trời” là một danh hiệu khác của Đấng Cứu Thế chỉ về thần tính của Ngài hay nói một cách khác Ngài là Đức Chúa Trời giáng thế làm người. Chúa Giê-su đã bị kết án tử hình vì Ngài công nhận Ngài chính là Chúa Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời phúc lành trước mặt vị trưởng tế và hội đồng quốc gia Do Thái; họ cho rằng Ngài đã phạm thượng. Mác 14:60-64
Thật ra niềm tin về Đấng Cứu Thế là sự mạc khải của Đức Chúa Trời cho Phê-rơ cũng như cho tất cả mọi người tin; không phải do sáng kiến hay tri thức của con người mà biết được.
II.Lời mạc khải của Chúa Cứu Thế Giê-su
Sau khi khen ngợi Phê-rơ về sự tuyên xưng của ông, Chúa cũng bày tỏ về chương trình của Ngài trong việc xây dựng hội thánh Chúa và Nước Thiên Đàng trên đất. Trước hết Chúa tuyên bố rằng, “con là Phê-rơ”. Từ Phê-rơ có nghĩa là hòn đá. Chúa cũng tuyên bố:
“Ta sẽ xây dựng hội thánh Ta trên vầng đá này.”
Giáo hội Công Giáo cho rằng Phê-rơ (hòn đá) và vầng đá là một. Chúa ban quyền cho Phê-rơ đứng đầu hội thánh (Giáo hoàng) và xây dựng hội thánh Ngài trên Phê-rơ là nền tảng của hội thánh cùng những người (Giáo hoàng) kế thừa ông. Người Công Giáo cũng trích dẫn Phao-lô để hỗ trợ cho quan điểm này, “Anh chị em được xây dựng trên nền tảng các sứ đồ và các tiên tri, còn chính Chúa Cứu Thế Giê-su là đá góc nhà.” Êph 2:20
Đại đa số nhà giải kinh Tin Lành bác bỏ cách giải thích này vì nhiều lý do:
1/ Từ Phê-rơ (Petro) có nghĩa là hòn đá sỏi và “vầng đá”(Petra) là tảng đá lớn. Chúa xây dựng hội thánh Ngài trên vầng đá lớn chứ không phải trên viên đá sỏi. Và Chúa Giê-su không hề nói gì về người kế thừa Phê-rơ, về quyền vô ngộ, về thẩm quyền tối cao. Những gì Chúa ban cho Phê-rơ thì Ngài cũng ban cho tất cả những môn đệ khác của Ngài. Math 18:18
2/ Kinh Thánh thường dùng vầng đá hay tảng đá làm biểu tượng cho Đức Chúa Trời (Đức Chúa Trời là tảng đá của Israel. 2 Sam 23:3) và Chúa Giê-su là vầng đá nền tảng. Mat 21:42
Chúa Giê-su không thể xây dựng hội thánh Ngài trên một con người, một người đã chối Chúa!
Ngay cả một nhà thần học lớn của giáo hội Công Giáo, thánh Augustine trong sách “Retractions” được viết lúc về già đã xác nhận rằng, “tảng đá chỉ có thể là Chúa Cứu Thế (Christ)”[1]
3/ Đại đa số những nhà giài kinh Tin Lành tin rằng lời tuyên xưng đức tin của Phê-rơ mới là vầng đá mà Chúa Giê-su sẽ xây dựng hội thánh Ngài trên lời tuyên xưng đó. Học giả James M. Boice cũng trích dẫn nhiều giáo phụ trong các hội thánh đầu tiên cũng tin như vậy.[2]
Các cửa cổng Âm Phủ sẽ không thắng nổi hội đó.
Cổng Âm Phủ được hiểu như là sự tấn công của Sa-tan và những đồng minh đen tối của nó trên hội thánh. Nhưng hội thánh là cộng đồng con dân Chúa do Chúa Giê-su xây dựng nên Sa-tan không thể nào đánh bại được.
Một số học giả khác cho rằng cổng Âm Phủ là biểu tượng của sự chết, nhưng sự chết đã bị sự chết của Chúa Giê-su đánh bại, cho nên những người chết trong Chúa sẽ được về cùng Chúa thay vì xuống Âm Phủ.
Tôi nghĩ rằng cổng Âm Phủ là quyền năng thu hút và đón nhận người chết nhưng hội thánh là cộng đồng dân Chúa sống và con dân Chúa dù chết về thể xác cũng sẽ được lên thiên đàng ở cùng Chúa (2 Cor 5:8) chứ không xuống Âm Phủ; như vậy cổng Âm Phủ đã thất bại và không còn quyền gì để nhận con dân Chúa.
Chìa khóa của Nước Thiên Đàng
Người Công Giáo cho rằng Chúa ban cho Phê-rơ và các giáo hoàng kế thừa ông quyền cho phép một người vào nước thiên đàng hay không được vào nước Thiên Đàng qua việc chấp nhận vào giáo hội hay rút phép thông công của một người khỏi hội thánh. Theo người Công Giáo một người phải gia nhập giáo hội mới được cứu rỗi.
Tuy nhiên Kinh Thánh Math 18:18 Chúa cũng ban cho quyền buộc và mở cho các môn đệ khác chứ không phải chỉ cho một mình Phê-rơ và các giáo hoàng kế thừa mà thôi.
Người Tin Lành tin rằng chìa khóa Nước Thiên Đàng là quyền công bố Tin Lành và sự tha thứ tội lỗi cho những ai ăn năn và tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-su. Sự công bố Tin Lành sẽ mở cho những ai tin và sẽ đóng hay buộc cho những người từ khước Tin Lành của Nước Trời.
Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ không được tiết lộ Ngài là Chúa Cứu Thế vì Ngài không muốn khích động dân chúng theo Ngài như là một lãnh tụ chính trị gây loạn chống đối chính quyền.
Chúa Giê-su báo trước về sự chết và sống lại của Ngài.
“Từ đó” tức là từ lúc Phê-rơ đại diện cho mười hai sứ đồ tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Khi một người tin nhận Chúa, người đó sẽ được mở mắt thuộc linh để thấy, hiểu những điều sâu nhiệm của Chúa.
Chúa Giê-su tiên báo cho các môn đệ biết rằng Ngài phải bị khổ nạn dưới tay các người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ; Ngài sẽ bị giết chết nhưng sau ba ngày Ngài sẽ sống lại. Đây là cốt lõi của Cơ Đốc giáo, Chúa Cứu Thế Giê-su, Con Đức Chúa Trời hằng sống đã bằng lòng hy sinh chịu chết thay cho tội lỗi nhân loại, nhưng sau khi trả hết hình phạt cho nhân loại Ngài đã sống lại để ban sự sống vĩnh phúc cho người tin Ngài.
Phê-rơ dù đã tin Chúa nhưng vẫn chưa thể hiểu rõ nguyên lý cứu rỗi này. Phê-rơ cũng như nhiều người Do Thái đương thời đang hy vọng một vua Mê-si-a đầy quyền năng đến để giải phóng Israel ra khỏi sự đô hộ của đế quốc La Mã và đưa dân tộc, đất nước này đến chỗ vinh quang, hùng cường như thời vua Đa-vít. Phê-rơ và các môn đệ vẫn chưa hiểu nỗi chân lý “hy sinh đền tội của Đấng Cứu Thế”, ông chỉ thấy cái khía cạnh quyền năng, vinh quang của Con Đức Chúa Trời.
Nhưng Chúa Giê-su đã quở trách Phê-rơ vì ông đã mắc mưu Sa-tan. Chính Sa-tan cũng đã cám dỗ Chúa Giê-su tương tự , “nếu ông quỳ xuống thờ lạy ta, ta sẽ ban cho ông tất cả.” Mat 4:9
Chương trình của Đức Chúa Trời là Con Ngài phải hy sinh chịu chết thay cho tội lỗi nhân loại để mở cửa cho nhân loại vào Vương Quốc Chúa bởi đức tin nơi sự hy sinh của Đấng Mê-si-a rồi mới đến thời vinh quang vĩnh cửu.
Điều kiện để theo làm môn đệ Chúa Cứu Thế Giê-su
Thông thường người ta cho mình là quan trọng nhất, mọi sự đều quy tụ về chính mình, gia đình mình. Nhưng Chúa Giê-su phán rằng người nào muốn theo làm môn đệ Chúa, người đó phải từ bỏ cái “tôi” của mình và phải để Đức Giê-su lên làm Chúa Tể, đứng hàng đầu và quan trọng nhất trong đời sống mình. Nhóm từ “vác thập tự giá mình” hàm ý rằng, hãy coi mình như đã chết. Vào thời đó người vác cây thập tự đi đến chỗ hành hình là người đã bị kết án tử hình và đang vác cây thập tự đi đến chỗ hành quyết. Từ ngữ “theo ta” có nghĩa là theo làm môn đệ Chúa. Vào thời đó học trò đi theo, sống chung, phục vụ và học với thầy mình.
Câu nói “Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai vì ta mà mất mạng sống thì sẽ tìm lại được.” hàm ý rằng những người vì sợ bị bắt bớ, tù đày nên chối, không dám nhận mình là môn đệ của Chúa Giê-su để cứu mạng sống mình trên đời này thì sẽ mất sự sống đời đời trong Chúa Cứu Thế Giê-su. Những người can đảm, trung tín không chối Chúa dù có phải mất mạng sống mình thì sẽ được sự sống vĩnh phúc. Chúa Giê-su đã phán, “Chính Ta là sự sống lại và sự sống, người nào tin ta, dù có chết, cũng sẽ sống lại. Còn ai sống mà tin ta sẽ chẳng bao giời chết, con tin điều ấy không?” Giăng 11:25
Chúa Giê-su dạy rằng đời sống tâm linh (linh hồn) là quan trọng và có giá trị vĩnh cửu so với cả thế giới vật chất của đời này. Thế giới vật chất này sẽ bị lửa hủy diệt (II Phê-rơ 3:6) và Chúa Cứu Thế Giê-su sẽ tái lâm để đoán xét thế gian và sẽ tạo trời mới, đất mới cho con dân của Ngài. Khải 21:1
Chúa Giê-su cho biết một vài môn đệ của Ngài sẽ kinh nghiệm được sự vinh quang của Chúa khi Ngài tái lâm. Ở đây Chúa muốn nói đến kinh nghiệm mà Phê-rơ, Gia-cơ và Giăng được thấy chứ không có ý nói rằng họ sẽ không chết, vì sau đó Chúa Giê-su đem riêng Phê-rơ, Gia-cơ và Giăng lên một ngọn núi cao; có Môi-se và tiên tri Ê-li xuất hiện nói chuyện với Ngài trong vinh quang.
Áp Dụng
1/ Bạn có tin rằng Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống không?
Nếu bạn tin như vậy, đây là một ân phúc lớn lao Đức chúa Trời đã ban cho bạn.
2/ Chúa Giê-su sẽ xây dựng hội thánh Ngài trên điều gì?
3/ Hội thánh sẽ thắng hơn cửa Âm Phủ nghĩa là gì?
4/ Chìa khóa của nước Thiên Đàng là gì? Bạn và hội thánh bạn đã tận dụng đặc ân này chưa? Tại sao?
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Tại sao niềm tin đúng đắn về Chúa Giê-su là điều rất quan trọng?
2/ Vầng đá thường là biểu tượng cho ai?
3/ Tại sao Chúa Giê-su không thể xây dựng hội thánh của Ngài trên Phê-rơ?
4/ “các cửa Âm Phủ sẽ không thắng nổi hội đó (hội thánh)” nghĩa là gì?
5/ “Chìa khóa của nước Thiên Đàng” nghĩa là gì?
[1] James M. Boice, The Gospel of Matthew, vol.1, BakerBooks,2001, tr.306
[2] Sđd, tr. 306