Bài 59 – Giọng Miền Nam
Bài 59 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Giê-ru-sa-lem là thủ đô của nước Israel từ thời vua Đa-vít khoảng thiên niên kỷ thứ nhất (năm 1000 Trước Công Nguyên, TCN). Đền thờ Đức Chúa Trời tọa lạc tại đây vì thế Giê-ru-sa-lem cũng là thủ đô tâm linh của dân Israel. Giê-ru-sa-lem là thủ đô chính trị lẫn tôn giáo của Israel vì thế nó cũng là biểu tượng của toàn dân Israel.
I.Lời tiên tri về Giê-ru-sa-lem sụp đổ
Chúa Giê-su đã vào Giê-ru-sa-lem như là vị vua bình an nhưng dân chúng thì hoan nghênh Ngài như vị cứu tinh kinh tế và chính trị; trong khi đó giới lãnh đạo Do Thái thì từ khước Ngài như là Đấng Mê-si-a của Đức Chúa Trời.
Qua lời than thở về Giê-ru-sa-lem Chúa Giê-su đã bày tỏ nổi lòng của mình về dân Chúa mà giới lãnh đạo và dân chúng tại Giê-ru-sa-lem là đại diện. Đức Chúa Trời đã nhiều lần, nhiều cách sai phái các tiên tri và sứ giả của Ngài đến với dân Chúa, dạy dỗ, hướng dẫn và kêu gọi họ trở lại với Đức Chúa Trời nhưng họ đều từ khước. Đức Chúa Trời yêu thương dân Chúa và muốn tập họp họ lại, để bảo vệ, gìn giữ họ dưới bóng cánh của Ngài nhưng họ vẫn không muốn. Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, là Con Đức Chúa Trời, được Ngài sai phái đến để đem dân Chúa (Israel) về cùng Đức Chúa Trời nhưng họ vẫn từ khước.
Thấy trước hậu quả khủng khiếp của sự từ khước Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã cảnh báo trước về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và đền thờ tại đây (c.38). Ngoài ra (câu 39) Chúa Giê-su cũng phán tiên tri về sự thăng thiên và tái lâm của Ngài. Chúa Cứu Thế Giê-su sẽ trở lại thế gian lần thứ hai để đón nhận con dân và hội thánh Ngài vì thế đây là một phước hạnh lớn lao cho con dân Chúa. Nhưng đối với thế gian vô tín, Chúa Cứu Thế sẽ trở lại như vị thẩm phán tối cao để phán xét nhân loại.
II.Cơn Đại nạn cho Giê-ru-sa-lem và dân Do Thái
Chúa Giê-su phán : “nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang.” (c.38) và Chúa cảnh báo cho các môn đệ biết những dấu hiệu của ngày đại nạn sắp đến. Một số người cho rằng sự gớm ghiếc hoang tàn trong nơi thánh được nói đến trong sách Đa-ni-ên là biến cố năm 168 TCN khi Antiochus Epiphanes dựng bàn thờ thần Zeus nơi bàn thờ dâng lễ thiêu trong đền thờ và dâng tế lễ heo trên ấy. Đây là sự ô uế, phạm thượng khủng khiếp trong quá khứ. Tuy nhiên Chúa Giê-su không nói đến biến cố này trong quá khứ nhưng Ngài phán tiên tri về những điều sắp đến. Có thể Chúa đề cập đến cờ mang biểu hiệu và hình hoàng đế La Mã đi trước đoàn quân tiến vào Giê-ru-sa-lem và vào khuông viên đền thờ vào năm 70 SCN. Sử gia Do Thái cho rằng sự tàn phá Giê-ru-sa-lem của quân La Mã là khủng khiếp chưa từng thấy. Một sử gia và truyền thống Hội Thánh cho biết nhiều tín hữu của Chúa Giê-su nhờ lời cảnh báo của Ngài đã trốn khỏi thành phố Giê-ru-sa-lem và chạy trốn đến vùng Pella tại Perea trước khi quân La Mã tàn phá thành phố.
Sự hủy phá Giê-ru-sa-lem là một biến cố lớn lao khủng khiếp, nhưng nhờ số người được chọn, tức là những người đã tin Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế của mình, số ngày đại họa cho dân Do Thái được giảm bớt. Đây là một nguyên tắc hết sức quan trọng về ân sủng của Đức Chúa Trời. Ngày xưa Áp-ra-ham đã xin Chúa dung tha, không hủy diệt hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ nếu trong thành chỉ có mười người công chính mà thôi. Hai thành phố gian ác này đã bị hủy diệt vì không có đủ số người công chính. Giê-ru-sa-lem và nước Do Thái cũng vậy; đại họa hủy diệt đã được giảm bớt vì chỉ có một số ít người được chọn hay nói một cách khác chỉ có một số ít người Do Thái tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-su, Con Đức Chúa Trời Chí Cao.
Đại họa cho Giê-ru-sa-lem và dân Do Thái tại Giu-đê đã đến vào năm 70 SCN như lời Ngài phán tiên tri nhưng Chúa Cứu Thế Giê-su chưa trở lại thế gian.
Nhiều người tin rằng Chúa Giê-su không những chỉ cảnh báo về tai họa cho Giê-ru-sa-lem nhưng Ngài cũng tiên báo về cơn đại nạn trước kỳ tận thế và trước khi Con Đức Chúa Trời, tức là chính Ngài tái lâm.(c. 30)
Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta về hai đặc tính của sự tái lâm. Chúa sẽ tái lâm một cách bất ngờ và nhanh chóng như tia chớp.(c. 27) Đặc tính thứ hai, “còn về ngày và giờ đó, không một ai biết cả, ngay các thiên sứ trên trời hay Đức Con cũng vậy, chỉ một mình Cha biết thôi.” (c.36) Vì thế ngày nay nếu ai tuyên bố rằng mình biết ngày giờ Chúa Giê-su tái lâm, chúng ta biết ngay rằng người đó là tiên tri giả. Chính Chúa Giê-su lúc bấy giờ trong cương vị của một con người như loài người nên Ngài cũng không biết ngày giờ đó.
Chúa Giê-su trích dẫn (Gióp 39:30) để ám chỉ rằng cơn đại nạn hay sự phán xét chắc chắn sẽ xảy ra và loài người sẽ chứng kiến điều đó như là chim điều hâu sẽ thấy rõ ở đâu có xác chết.
Áp dụng
1/ Lời than thở về Giê-ru-sa-lem nói lên điều gì nơi Chúa Giê-su?
2/ Lời tiên tri về Giê-ru-sa-lem đã ứng nghiệm vào năm 70 SCN, vậy hãy tin những lời dạy dỗ và tiên tri khác của Chúa.
3/ Bạn sẽ vui mừng khi Chúa tái lâm hay sợ hãi?
4/ Hai đặc tính của sự tái lâm của Chúa Giê-su là gì?
a/
b/
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Tại sao Giê-ru-sa-lem và cả nước Do Thái bị hủy diệt?
2/ Nhờ đâu những tín hữu của Chúa Giê-su đã tránh khỏi cơn đại họa xảy ra cho Giê-ru-sa-lem và dân Do Thái ở Giu-đê?
3/ Ai là những người sẽ tung hô “Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến.” tại sao?
4/ Tại sao chúng ta biết rằng người tuyên bố mình biết ngày Chúa tái lâm là tiên tri giả?
5/ Tín hữu của Chúa Giê-su nên làm gì trong khi chờ đợi ngày Chúa tái lâm?