Bài 58 – Giọng Miền Nam
Bài 58 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Trong xã hội Do Thái vào thời kỳ đầu Công Nguyên, các giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si được coi như bậc thầy về Kinh Thánh hay luật pháp của Đức Chúa Trời. Nhưng đặc biệt trong chương 23 Ma-thi-ơ đã ghi lại những lời quở trách nặng nề của Chúa Giê-su đối với những người này.
I.Bảy tội lỗi của các giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si
Môi-se là vị Đại sư của người Do Thái. Môi-se chính là người đã nhận và ban hành Điều Răn, luật pháp của Đức Chúa Trời cho dân Israel. Trong nhà hội của người Do Thái có một ghế đá phía trước để những Ra-bi (Giáo sư) Do Thái ngồi và dạy dỗ hội chúng. Ghế đá này được gọi một cách biểu tượng là “ghế giáo huấn của Môi-se”. Điều này cũng nói lên thẩm quyền, uy tín và vinh dự của người giảng dạy Lời Chúa. Các giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si cũng muốn có thẩm quyền, uy tín và vinh dự như Môi-se nhưng họ đã không dạy và sống như Môi-se. Chúa Giê-su đã nêu lên bảy tội lỗi mà các giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si đã vi phạm:
1/ Các giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si chỉ có nói mà không làm.
Các giáo sư Kinh Luật dạy về nhiều điều răn, luật pháp của Chúa nhưng chính họ không thành thật vâng lời và làm theo.
2/ Họ đặt thêm ra nhiều điều lệ để gìn giữ và bảo vệ luật pháp của Chúa. Họ buộc mọi người phải thi hành những luật lệ và truyền thống này và chính họ cũng lo giữ những điều lệ và truyền thống của con người nhưng không tuân theo tinh thần của Điều Răn và luật pháp của Chúa.
3/ Động lực trong lòng các giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si tự bản chất là xấu xa, ích kỷ. Họ chỉ cốt ý làm theo những hình thức, nghi lễ bề ngoài để người ta thấy, khen ngợi và tôn trọng họ. Những người này chỉ quan tâm đến chính họ và không muốn vâng phục và tôn vinh Đức Chúa Trời. Thật ra đến lúc này, giới lãnh đạo Do Thái giáo đã từ khước Chúa Cứu Thế Giê-su; họ chống đối và từ khước sự dạy dỗ của Chúa Giê-su.
4/ Họ thích những địa vị cao trong hội đường (tổ chức tôn giáo) lẫn ngoài xã hội.
5/ Họ thích làm thầy, làm cha, làm người lãnh đạo.
6/ Họ là những người tự cao, chỉ muốn người ta tôn trọng và gọi họ là thầy, là lãnh đạo, là người có địa vị cao, có quyền cai trị thay vì phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân.
7/ Họ là những người đã giết các tiên tri của Chúa và họ đang âm mưu, liên hiệp với thế lực của người ngoại để giết chết Đấng Mê-si-a, Con Đức Chúa Trời Chí Cao.
II.Bảy lời quở trách người Pha-ri-si và giáo sư Kinh Luật.
Trong bảy lời quở trách các giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si, Chúa Giê-su dùng đến sáu lần từ “đạo đức giả” để chỉ họ. Từ “đạo đức giả” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là một người đóng kịch, đeo mặt nạ để bày tỏ, để diễn tả những điều mà tấm lòng của người đó không phải như vậy. Các hành động bên ngoài này thường là những hành động giả dối, không thực lòng.
1/ Lời quở trách thứ nhất: Người Pha-ri-si và các giáo sư Kinh Luật Do Thái không thể vào được Nước Đức Chúa Trời vì không ai có thể làm trọn các điều răn của Đức Chúa Trời. “Vì không một cá nhân nào do việc làm theo kinh luật được xưng công chính trước mặt Ngài, vì qua kinh luật người ta nhận biết rõ được tội lỗi.” Rô-ma 3:20 Ngay từ thời Cựu Ước Kinh Thánh dạy, “Người công chính sống bởi đức tin của mình.” Ha-ba-cúc 2:4 Người Pha-ri-si không những không giữ nỗi các điều răn của Đức Chúa Trời nhưng họ còn đặt thêm nhiều điều lệ, theo các truyền thống pham tục và dạy dỗ, buộc những người khác cũng phải làm như họ.
Đạo đức giả là những người thất bại, bất chính và muốn làm cho những người khác cũng bất chính như mình.
2/ Lời quở trách thứ hai: Người Pha-ri-si và giáo sư Kinh Luật là những người tham lam, gian dối, lừa gạt để đoạt nhà cửa, của cải của những người đàn bà góa cô đơn, thiếu hiểu biết
nhưng lại giả vờ cầu nguyện thật dài nơi công cộng để cho người ta thấy, để chứng tỏ mình là người sùng kính, đạo đức.
Đạo đức giả là bề ngoài giả vờ như là đạo đức, sùng kính nhưng trong lòng thì tham lam, gian dối, lừa gạt.
3/ Lời quở trách thứ ba: Người Pha-ri-si và giáo sư Kinh Luật là những người nổ lực chiêu dụ người khác gia nhập bè phái của mình và làm cho người đó xấu xa gấp đôi mình.
Đạo đức giả là nổ lực chiêu dụ người khác theo đường lối của mình và làm cho người đó càng tệ hại, xấu xa hơn mình nữa.
4/ Lời quở trách thứ tư: Người Pha-ri-si và giáo sư Kinh Luật là những người dẫn đường mù lòa; chính họ đã sai lạc và họ cũng hướng dẫn người khác đi sai lạc. Họ đã dùng những lý luận vu vơ, phi lý để biện hộ cho sự thề dối của mình.
Chúa Giê-su dạy, một người ngay thẳng, thành thật thì không cần phải thề. “Đừng thề gì cả……. Nhưng phải thì nói phải, không thì nói không, thêm bớt bất cứ điều gì đều từ quỷ mà đến.” Mat 5: 34, 37
5/ Lời quở trách thứ năm: Người Pha-ri-si và các giáo sư Kinh Luật là những người đạo đức giả vì họ chỉ làm những việc nhỏ và dễ để cho người ta thấy nhưng những điều quan trọng và khó hơn trong Kinh Thánh như công bình, lòng thương xót và trung tín thì họ bỏ qua, không làm. Chúa Giê-su dạy chúng ta phải thực hành việc dâng phần mười thổ sản của mình cho Chúa. Lê-vi 27:30 và cũng phải thi hành những mạng lệnh khác như đối xử công bình với mọi người; có lòng thương xót người nghèo khổ, gặp hoạn nạn và phải trung tín, tức là giữ lời hứa của mình, không được thất hứa. Người Israel đã kết ước với Chúa, được Chúa chọn làm dân tuyển của Ngài vì thế họ nhận được nhiều ân phúc của Chúa và phải thi hành tất cả điều răn và mạng lênh của Chúa, nhưng Chúa Giê-su cho thấy họ chỉ giữ một vài hình thức bên ngoài của luật pháp, điều răn và không làm theo tinh thần của điều răn, mạng lệnh của Chúa.
Các giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si tự cho mình là bậc thầy hướng dẫn, dạy dỗ người khác về Kinh Thánh nhưng họ đã không thực hành những điều quan trọng Kinh Thánh dạy cho nên Chúa Giê-su cho rằng họ chỉ là những người dẫn đường mù lòa. Họ là người chỉ làm những điều nhỏ mọn nhưng vi phạm nhiều mạng lệnh lớn lao và quan trọng hơn của Chúa.
6/ Lời quở trách thứ sáu: Người Pha-ri-si và các giáo sư Kinh Luật là những người đạo đức giả; không tuân giữ luật pháp của Chúa, vì họ ví như những chén đĩa chỉ được rửa sạch bên ngoài nhưng bên trong thì vẫn bẩn thỉu. Người Pha-ri-si chỉ chú trọng về những hành vi bề ngoài nhưng trong lòng thì đầy những tham lam, trụy lạc. Họ giống như mồ mả tô phết bên ngoài nhưng bên trong thì mục nát, ô uế. Họ là những người lãnh đạo mù lòa thuộc linh. Tấm lòng bên trong của một người cần phải được thanh tẩy, thánh hóa bởi đức tin nơi Con Đức Chúa Trời và lời của Ngài. Êph 1:7; Giăng 17:17; 1Giăng 1:9
7/ Lời quở trách thứ bảy: Người Pha-ri-si và các giáo sư Kinh Luật là những người đạo đức giả
Vì họ đã đồng ý với tổ tiên họ trong sự bắt bớ, giết hại các tiên tri và người công chính của Chúa. A-bên, một người công chính bị Ca-in giết chết (Sáng Thế 4:8) và Xa-cha-ri cũng bị giết (2 Sử Ký 24:21); Sử Ký là sách cuối cùng trong Kinh Thánh Cựu Ước.
Bản án dành cho những người đạo đức giả là sự chết đời đời nơi hỏa ngục. Chúa Giê-su cũng ám chỉ đến Ngài, Con Đức Chúa Trời mà dân chúng công nhận là một Tiên Tri của Đức Chúa Trời, sẽ bị giới lãnh đạo Do Thái giáo bắt giữ và họ thông đồng với chính quyền La Mã xử tử bằng cách đóng đinh trên cây thập tự. Các môn đệ của Chúa Giê-su sau này vì rao giảng Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-su cũng bị bắt bớ, lùng bắt từ thành này đến thành khác.
Áp dụng
1/Theo Lời Kinh Thánh Rô-ma 3:25 ai là người đã được Chúa Cứu Thế Giê-su chuộc tội cho và tha thứ mọi vi phạm ?
2/ Theo Lời Kinh Thánh 2 Côr 5:17 chúng ta cần làm gì để được đổi mới bản tính của mình?
3/ Tín hữu của Chúa Giê-su là người đã được tha thứ hết mọi tội lỗi, nhưng trong đời sống hằng ngày nếu một tín hữu của Chúa vì yếu đuối, bị cám dỗ hay vô tình phạm tội, người đó phải làm gì để được tha thứ? 1 Giăng 1:9
4/ Hai trong số các hoạt động tâm linh giúp tín hữu tăng trưởng và tránh phạm tội là gì?
a/
b/
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Một tín hữu của Chúa Giê-su cần điều gì để thánh hóa đời sống mình? Giăng 17:17
2/ Một người muốn có sự sống vĩnh phúc và ánh sáng tâm linh cần phải làm gì? Giăng 1:4; 12,13
3/ Chúa Giê-su tuyên bố rằng, “Ta là con đường, chân lý và sự sống”, Một người muốn được Chúa Cứu Thế Giê-su hướng dẫn lên Thiên Đàng cần phải làm gì?
4/ Thế nào là một người đạo đức giả? Tại sao một tín hữu của Chúa Giê-su không thể hành động như người đạo đức giả?
5/ Ba hoạt động tâm linh căn bản giúp cho một tín hữu sống đời sống mới đẹp lòng Chúa là gì? Bạn có thực hành những điều đó không? Tại sao?