Bài 23 – Giọng Miền Nam
Bài 23 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Nhìn chung chúng ta thấy rằng Chúa Cứu Thế Giê-su đã đến thế gian để cứu rỗi nhân loại. Các Phúc Âm đều ghi lại làm thế nào Chúa có thể hoàn thành sứ mệnh này. Ngoài việc chính Chúa đã hy sinh mạng sống để đền tội cho nhân loại, Ngài cũng đã chiêu mộ một số môn đệ để tiếp nối công tác truyền bá Phúc Âm và hoàn tất chương trình cứu rỗi của Ngài.
I.Chúa Giê-su đã kêu gọi và chọn mười hai Sứ Đồ
Trong số rất đông những người theo Chúa, Ngài đã kêu gọi và chọn mười hai người làm Sứ Đồ. Từ ngữ Sứ Đồ có nghĩa là được ủy nhiệm và sai phái đi thi hành một sứ mệnh nào đó. Trong trường hợp của các Sứ Đồ, họ được chọn và ban cho thẩm quyền để truyền bá Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-su và tiếp tục hoàn thành cuộc cứu rỗi nhân loại mà Chúa Giê-su qua cái chết và sự sống lại của Ngài đã hoàn tất phần thứ nhất của chương trình.
Chúa Giê-su đã chọn mười hai người với lịch sử, cá tính, nghề nghiệp và khả năng khác nhau để lập thành một nhóm mười hai Sứ Đồ.
Phê-rơ thường được nhắc đến trước hết cũng được gọi là Cê-pha và Si-môn. Về cá tính Phê-rơ là người mau mắn, mạnh mẽ và thường phát ngôn trước hết trong nhóm. Phê-rơ, An-rê, Gia-cơ và Giăng là những người làm nghề đánh cá tại biển hồ Ga-li-lê.
An-rê là em Phê-rơ và cũng là người giới thiệu anh mình với Chúa Giê-su.
Gia-cơ và Giăng là hai anh em; cả hai cùng làm nghề đánh cá. Cả hai anh em được Chúa đặt cho biệt danh, “con trai sấm sét” có lẽ vì tính tình nóng nảy. Hai anh em đã bị Chúa quở trách vì họ xin Chúa cho phép họ cầu xin sấm sét đến hủy diệt một làng người Sa-ma-ri vì những người này đã từ khước sứ giả của Chúa. Gia-cơ và Giăng là những người đầy tham vọng; họ đã xin Chúa cho họ ngồi ở hàng ghế danh dự hai bên Chúa trong Nước của Ngài. Nhưng Chúa Giê-su phán tiên tri rằng Gia-cơ phải uống cái chén mà Chúa sẽ uống. Điều này đã ứng nghiệm khi Gia-cơ bị vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba I xử chém bằng gươm. Công Vụ 12:2
Phi-líp được Chúa kêu gọi đi theo Ngài cùng lúc với An-rê và Phê-rơ. Phi-líp cũng là người Ga-li-lê, quê ở Bết-sai-đa. Phi-líp là người giới thiệu Na-tha-na-ên đến với Chúa Giê-su. Ma-thi-ơ liệt kê Phi-líp vào với Ba-thê-lê-mi, Thô-ma và Ma-thi-ơ. Khi được Chúa hỏi thử môn đệ sẽ lấy bánh từ đâu ra để cho trên năm ngàn người ăn; Phi-líp thành thật đáp dù có hai trăm đồng Đê-na-ri (lương công nhật cho một năm rưỡi) cũng không đủ để mua bánh cho đám người kia ăn.
Phi-líp là người giới thiệu những người Hy-lạp muốn gặp Chúa Giê-su. Phi-líp cũng là môn đệ xin Chúa Giê-su chỉ Đức Chúa Cha cho mình.
Ba-thê-lê-mi chỉ được nhắc đến trong danh sách các Sứ Đồ.
Thô-ma là Sứ Đồ nổi tiếng vì tính nghi ngờ. Ông muốn thấy tận mắt dấu đinh và dấu đâm nơi hông Chúa thì mới tin rằng Chúa đã sống lại. Nhưng khi Chúa Giê-su phục sinh hiện ra với Thô-ma, ông không những tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa và đồng thời cũng là Đức Chúa Trời.
Ma-thi-ơ là nhân viên thu thuế được Chúa Giê-su kêu gọi để theo Ngài và ông đã từ bỏ tất cả để theo Ngài. Ma-thi-ơ cũng có tên là Lê-vi và là trước giả của Phúc Âm Ma-thi-ơ.
Gia-cơ con của A-phê. Ông cũng được gọi là “Gia-cơ nhỏ” có lẽ vì nhỏ hơn hay trẻ hơn Gia-cơ con của Xê-bê-đê.
Tha-đê được biết đến nhờ có tên trong danh sách các Sứ Đồ. Từ “Tha-đê” là tiếng A-ra-mic có nghĩa là “ngực đàn bà” vì thế ám chỉ cá tính dịu dàng, ấm áp.
Si-môn người thuộc đảng Quá Khích. Đảng Quá Khích ở đây được hiểu theo nghĩa quá khích về tôn giáo hay chính trị thì không được rõ. Tuy nhiên dù trước đó Si-môn theo khuynh hướng quá khích nào đi nữa nhưng khi theo Chúa Giê-su, tình yêu thương của Chúa Cứu Thế đã biến đổi ông thành người nhiệt thành yêu kính Chúa và yêu thương nhân loại.
Giu-đa Ích-ca-ri-ốt luôn luôn được liệt kê ở cuối danh sách và Ma-thi-ơ, Mác cùng Lu-ca đều chua thêm: “Người phản Chúa.”
Lu-ca khi ghi lại sự kêu gọi các Sứ Đồ đã cho biết thêm một số chi tiết đáng chú ý. Trước khi Chúa Giê-su kêu gọi mười hai Sứ Đồ Ngài đã lên núi cầu nguyện suốt đêm. Điều này cho thấy Chúa Giê-su coi việc chọn lựa và kêu gọi các Sứ Đồ là rất quan trọng.
II.Sứ mệnh đầu tiên của các Sứ Đồ
Chúa Giê-su đã được sinh ra là người Israel; mười hai Sứ Đồ của Ngài cũng đều là người Israel. Sứ mệnh của các Sứ Đồ là đi đến với người Israel trước vì họ là dân tộc được Chúa kêu gọi và chọn để làm dân Ngài. Người Israel là dân tộc đã kết ước với Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài. Phao-lô sau này cũng theo cùng một chiến lược, ông thường vào các hội đường người Do Thái để truyền giảng Đạo Chúa cho người Do Thái trước.
Chúa Giê-su trước khi về trời cũng đã truyền cùng một sứ mệnh: “Các con sẽ làm nhân chứng cho Ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất.” Công Vụ 1:8
Ngoài ra trong thời gan đầu này Chúa đang hoạt dộng tại Ga-li-lê (Miền bắc) nên Ngài muốn các Sứ Đồ tập trung vào người Do Thái trước khi đi ra ngoài các nước ngoại quốc.
Sứ điệp các Sứ Đồ truyền bá là: “Nước Thiên Đàng đã đến gần.” Nước Thiên Đàng là cách nói của người Do Thái sùng kính để chỉ Nước Đức Chúa Trời. Giăng Báp-Tít và Chúa Giê-su đã giảng sứ điệp này: “Hãy ăn năn, vì Nước Thiên Đàng đã đến gần.” Mat 4:17
Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã hứa sẽ đến, đã đến và đang sống ở giữa dân Ngài. Vì thế Chúa Giê-su đã nói với những người Do Thái, “vì kìa, Nước Đức Chúa Trời ở giữa vòng các ông.” Lu-ca 17:21 Dân Do Thái là dân có giao ước và luật pháp của Đức Chúa Trời. Đáng lý họ là những người hoan nghênh và tin cậy Đấng Mê-si-a của họ nhưng thực tế cho thấy giới lãnh đạo lẫn đa số dân chúng đã đi theo truyền thống, xa cách Đức Chúa Trời chân thật. Vì thế dân Do Thái là những người cần ăn năn và tin cậy Đấng Cứu Thế trước nhất.
Các Sứ Đồ là những người đầu tiên tin Chúa Cứu Thế Giê-su nên đang ở trong Nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã ban cho các Sứ Đồ thẩm quyền của Ngài để chữa bệnh, cứu người chết sống lại, đuổi quỷ v.v… Đây là dấu hiệu để xác chứng cho Phúc Âm cứu rỗi mà họ rao giảng là Phúc Âm sự sống có quyền năng để giải cứu con người tội lỗi ra khỏi sự chết đời đời.
Sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế và ngay cả quyền năng siêu nhiên các Sứ Đồ nhận được đều bởi đức tin, không phải tốn kém gì cả; vì thế họ cũng phải ban cho mọi người miễn phí.
Vì công việc truyền bá Phúc Âm lúc này được giới hạn trong vùng Ga-li-lê và giữa vòng người Do Thái mà thôi nên Chúa khuyên các Sứ Đồ không cần mang theo nhiều hành trang. Ngoài ra Chúa Giê-su kỳ vọng nơi người tiếp nhận sứ điệp của Chúa từ các Sứ Đồ sẽ cung ứng đầy đủ cho người truyền bá sứ điệp của Chúa.
Chúa Giê-su kỳ vọng giữa vòng những người Do Thái tại các thành, các làng sẽ có những người xứng đáng nhận lãnh sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su; đây là những người thật lòng khao khát tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời. Những người này sẽ hoan nghênh và tiếp đón sứ giả của Chúa Cứu Thế Giê-su. Khi vào nhà ai, các Sứ Đồ nên chúc bình an cho nhà đó. Từ “bình an” ở đây bao gồm ý nghĩa rộng rãi: “an khang thịnh vượng”, tức là khỏe mạnh, bình an và thịnh vượng về cả tinh thần lẫn vật chất. Nếu nhà nào xứng đáng tức là người hân hoan tiếp nhận Phúc Âm của Chúa Cứu Thế thì những ân phúc đó sẽ ở với họ.
Tin Mừng cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su là một ân phúc lớn lao, vĩnh cửu nhưng những kẻ từ khước Tin Mừng cứu rỗi này sẽ phải chịu một hậu quả khủng khiếp.
Tại sao những dân tộc, những thành phố từ khước Tin Lành cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-su sẽ bị hình phạt khủng khiếp hơn cả dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ ngày xưa? Ngày xưa thành Sô-đôm có Lót, một người công chính sống ở giữa họ và hai thành tội lỗi này được Áp-ra-ham cầu thay cho; nhờ thế mà Lót và gia đình ông được giải cứu. Ngày nay chính Con Đức Chúa Trời Tối Cao đã đến thế gian và Ngài đồng đi với các sứ giả của Ngài để truyền bá Tin Lành cứu rỗi cho nhân loại. Vì thế những ai từ khước Tin Lành cứu rỗi của Con Đức Chúa Trời thì không còn cơ hội hay phương tiện nào khác để được cứu rỗi và hình phạt vào ngày phán xét là hình phạt đời đời nơi hỏa ngục.
Trách nhiệm của các Sứ Đồ, và cũng là trách nhiệm của mỗi môn đệ Chúa, là truyền bá Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-su cho mọi người; ai tin sẽ được ân phúc cứu rỗi; ai không tin sẽ phải chịu hình phạt đời đời. Chúng ta, những môn đệ của Chúa đã vâng lời rao truyền Phúc Âm không còn trách nhiệm gì đối với những người hư mất này.
Áp dụng
1/ Cảm tạ ơn Chúa! Nếu bạn đã tin Chúa, bạn là người được chọn để làm môn đệ của Chúa Cứu Thế và bạn cũng có trách nhiệm rao truyền Tin Lành cứu rỗi cho người khác.
2/ Chúa Giê-su đã kêu gọi và chọn đủ mọi loại người với cá tính, nghề nghiệp và khuynh hướng khác nhau để làm môn đệ Ngài. Vì vậy bất cứ bạn là người có cá tính, nghề nghiệp hay khuynh hướng chính trị, xã hội nào thì bạn cũng có thể được Chúa chọn và sử dụng cho Vương Quốc Ngài.
3/ Sứ điệp: “Hãy ăn năn và tin nhận Chúa Giê-su làm Đấng cứu rỗi và Chủ tể đời sống mình” vẫn là sứ điệp chúng ta tin và truyền bá cho đến khi Chúa tái lâm.
4/ Hãy xin Chúa ban ơn, hướng dẫn chúng ta đi đến những người bình an, sẵn sàng mở lòng đón tiếp sứ điệp cứu rỗi của Chúa.
5/ Hãy chúc bình an, rao truyền Tin Lành cứu rỗi cho mọi người, mọi nhà sẵn lòng nghe. Chúng ta sẽ làm tròn trách nhiệm khi rao truyền Tin Lành cho người khác dù họ tiếp nhận hay từ khước.
Câu hỏi thảo luận
1/ Bạn thấy những đặc điểm nào trong sự chọn lựa mười hai Sứ Đồ của Chúa Giê-su?
2/ Theo bạn tại sao Chúa Giê-su không chọn mười hai Sứ Đồ hoàn toàn đồng nhất giống nhau?
3/ Tại sao Chúa Giê-su truyền cho các Sứ Đồ chỉ giảng Tin Lành cho người Israel mà thôi?
4/ Sứ điệp các Sứ Đồ rao giảng là gì?
5/ Tại sao những người, những thành từ khước Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-su sẽ phải chịu hậu quả khủng khiếp hơn hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ ngày xưa?