Bài 22 – Giọng Miền Nam
Bài 22 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Đối với người nông dân được trúng mùa là niềm hân hoan vui mừng lớn. Thường sau mùa gặt người ta hay có những lễ hội vui vẻ.
Đấng Cứu Thế đến thế gian là khởi đầu cho mùa gặt thuộc linh trên thế giới.
Cảm tạ ơn Chúa, mùa gặt vẫn còn đang tiếp diễn và Chủ mùa gặt khuyên chúng ta nên cầu xin Chúa ban cho thêm con gặt để gặt hái mùa lúa đang chín vàng.
I.Công vụ của Chúa Cứu Thế Giê-su
A.Chúa Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc để thi hành chức vụ
Trong vài câu văn Ma-thi-ơ đã mô tả vắn tắt chiến lược của Chúa Giê-su khi Ngài thi hành chức vụ để hoàn thành sứ mệnh của mình trên thế giới.
Ma-thi-ơ gọi thành Ca-pha-na-um bên bờ phía bắc biển hồ Ga-li-lê là thành của Ngài. Hay nói một cách khác Chúa Giê-su đã chọn Ca-pha-na-um, một thành thị lớn, phồn thịnh, đông đúc dân cư ở ngay trên trục lộ giao thông thương mại trong vùng để làm trụ sở chính. Từ đây Chúa đi truyền bá Tin Lành Nước Đức Chúa Trời khắp các thành thị, làng mạc trong vùng.
Phao-lô sau này cũng có cùng một chiến lược để truyền bá Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-su khắp Trung Đông và Âu Châu. Chúng ta cũng nên theo gương Chúa và Phao-lô trong chiến lược truyền bá Tin Lành cho quê hương đất nước và thế giới.
B.Công việc chính Chúa Giê-su đã làm
Ma-thi-ơ mô tả vắn tắt ba công việc mà Chúa Giê-su đã làm trong khi thi hành chức vụ:
1.Dạy dỗ Lời Chúa trong các hội đường
Hội đường là trung tâm tôn giáo, văn hóa, xã hội của cộng đồng Do Thái. Đặc biệt sau này khi đền thờ Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 70 SCN, hội đường trở thành trung tâm thờ phượng và học tập Kinh Thánh chính của người Do Thái.
Chúa Giê-su được coi như một giáo sư (ra-bi) Do Thái nên Ngài đến các hội đường để dạy dỗ Kinh Thánh vì tại đây người Do Thái sùng kính thường tụ họp để thờ phượng, học hỏi Kinh Thánh và thảo luận những vấn đề cộng đồng, xã hội.
Dân chúng thời bấy giờ công nhận rằng Chúa Giê-su dạy, giải thích rõ ràng và chân chính ý nghĩa của Kinh Thánh và rằng Ngài dạy dỗ Lời Chúa với thẩm quyền chứ không giống như những giáo sư Do Thái khác. (Mat 7:29)
Theo thời gian người Do Thái đã lập thêm nhiều quy luật để thực hành và gìn giữ Lời Chúa nhưng những truyền thống này đã trở nên gánh nặng cho con dân Chúa và trong một số trường hợp đã làm lệch lạc ý nghĩa của Lời Chúa. Chúa Giê-su trong nhiều trường hợp đã bác bỏ những truyền thống, quy luật mà người Do Thái thêm vào để giữ gìn Kinh Luật nhưng trên thực tế lại làm cho người ta hiểu sai và làm sai ý nghĩa chân chính của Lời Chúa.
2.Giảng Phúc Âm (Tin Lành) Nước Đức Chúa Trời
Từ ngữ “truyền bá Phúc Âm” hay giảng Tin Lành là hành động truyền giảng Tin Mừng cứu rỗi cho những người chưa tin hay người ngoại đạo để họ ăn năn và tin cậy vào Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho nhân loại.
Phúc Âm Ma-thi-ơ được coi là Phúc Âm nhắm vào người Do Thái, là những người đang thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên Ma-thi-ơ nhiều lần ghi rõ rằng Chúa Giê-su không những chỉ dạy Kinh Thánh trong hội đường nhưng Ngài cũng giảng Tin Lành cho dân chúng mà đa số là người Do Thái. Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng Chúa Giê-su thấy có nhiều người Do Thái đương thời theo truyền thống thờ Đức Chúa Trời nhưng thật sự họ chưa tin Đức Chúa Trời đúng như Ngài muốn và dạy trong Kinh Thánh.
Ngày nay rất nhiều người cho rằng họ tin và thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng trên thực tế họ chỉ thờ phượng theo truyền thống tôn giáo do loài người thiết lập nên. Chúa muốn loài người chúng ta thờ phượng Chúa “bằng tâm linh và lẽ thật.” (Giăng 4:24) Một người chỉ có thể thờ phượng Chúa bằng tâm linh khi người đó đã có mối quan hệ tâm linh với Chúa, tức là người đã được sinh lại bằng tâm linh. (Giăng 1:12) Lẽ thật hay chân lý là Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời.
3.Chữa lành mọi bệnh tật, đau yếu
Trong khi dạy dỗ Lời Chúa, giảng Tin Lành, Chúa Giê-su cũng đã thi hành nhiều dấu kỳ, phép lạ như chữa bệnh, cứu người chết sống lại, hóa bánh cho nhiều người ăn, đuổi quỷ, trừ tà v.v.. để chứng tỏ cho thế gian biết rằng Ngài chính là Đấng Mê-si-a, Con Đức Chúa Trời hằng sống đã đến thế gian để cứu rỗi nhân loại.
Chúa Cứu Thế Giê-su có quyền năng chữa lành mọi bệnh tật, trừ tà và ngay cả cứu người chết sống lại nhưng Chúa đã không chữa lành cho tất cả những người bệnh trong Israel. Sứ mệnh chính của Chúa Cứu Thế trên thế gian là giải cứu con người ra khỏi tội lỗi và ban cho họ sự sống vĩnh phúc.
Chúa Giê-su đã hoàn thành sứ mệnh giải cứu con người ra khỏi tội lỗi bằng cái chết của mình, nhưng Chúa cũng đã sống lại và về trời. Chúa Giê-su sẽ trở lại thế gian để đón nhận Vương Quốc Đức Chúa Trời vào ngày tận thế và khi Nước Đức Chúa Trời đến với trời mới và đất mới; lúc bấy giờ mọi bệnh tật đau ốm sẽ được xóa sạch.
Vì Chúa Giê-su là Đấng hằng sống, Ngài vẫn có quyền chữa lành bệnh tật cho những người đau yếu qua lời cầu nguyện của tôi tớ và hội thánh Chúa:“Có ai trong anh chị em đau yếu, hãy mời các trưởng lão (mục sư) của hội thánh đến, để họ nhân danh Chúa xức dầu rồi cầu nguyện cho mình. Lời cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu chữa người bệnh; Chúa sẽ đỡ người ấy dậy. Nếu người bệnh phạm tội cũng sẽ được tha.” Gia-cơ 5:14-15
II.Cái nhìn của Chúa Cứu Thế Giê-su
Trong khi thi hành chức vụ nhiều đoàn dân đông đảo đã đến với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã thấy gì nơi những người này? Chúa thấy họ như đàn chiên (cừu) không có người chăn. Chiên hay cừu là loài súc vật hiền lành; chúng cần người chăn giữ để hướng dẫn, chăm sóc và bảo vệ chúng khỏi bị loài lang sói hay sư tử tấn công. Chúa thấy đám dân đông đang bơ vơ, lạc lỏng, không được hướng dẫn, chăm sóc và giúp đỡ, không có hy vọng sống vĩnh cửu.
Loài người nếu không có Chúa Cứu Thế dẫn đường đều đi lạc và dẫn đến địa ngục. Loài người không nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng cứu rỗi của mình sẽ bị hư mất trong tối tăm. Bất cứ những ai không tin cậy Con Đức Chúa Trời thì sẽ không được sinh trở lại phần tâm linh (Giăng 1:12-13) và vì thế không có sự sự sống vĩnh phúc.(Giăng 5:24)
Chúa cũng muốn con dân Ngài có con mắt thuộc linh để thấy đám đông dân chúng vì chưa biết, chưa tin Chúa Cứu Thế Giê-su nên cũng sẽ hư mất trong tội lỗi và sẽ đi vào địa ngục đời đời.
III.Tấm lòng của Chúa Cứu Thế Giê-su
Nhìn thấy đoàn dân đông đảo, đang khốn đốn lạc lỏng Chúa động lòng thương xót họ. Từ ngữ
“động lòng thương xót” có nghĩa là đau lòng thắt ruột. Chúa Cứu Thế Giê-su thấy đám đông dân chúng đang khốn đốn, đau khổ và đi vào chỗ chết, Ngài cảm thấy đau lòng, xót dạ. Kinh Thánh xác nhận rằng “Ngài muốn cho mọi người đều được cứu rỗi và đạt đến sự hiểu biết chân lý.”
1Tim 2:4
Những người đã được Chúa chọn và cứu rỗi cũng hãy có con mắt thiêng liêng như Chúa và có tấm lòng yêu thương người hư mất như Chúa đã yêu thương mình.
III.Lời kêu gọi của Chúa Cứu Thế Giê-su về mùa gặt
Với con mắt thiêng liêng Chúa Giê-su nhận thấy trong đám đông dân chúng có rất nhiều người đang khao khát tìm kiếm chân lý và sự sống vĩnh phúc. Đây là những người có tấm lòng ăn năn, mềm mại và sẳn sàng tin nhận Chúa Cứu Thế để nhận được sự sống vĩnh phúc. Tuy nhiên Chúa cũng thấy một thực trạng không mấy tích cực. Dù mùa gặt thì thật trúng, nhưng con gặt thì ít. Hay nói một cách khác, những người cam kết, dấn thân theo làm môn đệ Chúa để đem người hư mất vào Nước Đức Chúa Trời thì ít ỏi. Lời tuyên bố của Chúa Giê-su lúc bấy giờ cũng là lời tiên tri đang ứng nghiệm ngày nay ở khắp mọi nơi. Nhưng Chúa Giê-su không thất vọng! Ngài thấy có một giải pháp để hoàn thành ý định của Đức Chúa Cha: Hãy cầu nguyện xin Đức Chúa Cha, Chủ của mọi mùa gặt sai phái thêm con gặt vào đồng lúa đang chín vàng của Ngài.
Khi Chúa truyền cho chúng ta hãy cầu xin Chúa của mùa gặt sai thêm con gặt vào đồng lúa của Ngài để gặt hái lúa, thì hàm ý trước hết là Ngài muốn con dân Chúa hãy trở nên thợ gặt cho Chúa.
Hãy cầu nguyện cho chính mình sớm đáp lời kêu gọi của Chúa để trở nên con gặt cho Chúa.
Hãy tham gia học tập, được trang bị để biết chia sẻ Phúc Âm cho người khác ngay trong gia đình, cộng đồng mình đang sinh sống. Mạng lệnh cuối cùng và vĩ đại nhất của Chúa Giê-su cho chúng ta là hãy trở nên môn đệ Chúa và biết môn đệ hóa người khác cho Chúa ngay trong cuộc sống của mình. Đại Mạng Lệnh này có thể được diễn giải như sau: Đang khi con đang đi đây đó, làm ăn sinh sống “Hãy môn đệ hóa muôn dân cho Ta.” ( Mat 28:19)
Áp dụng
1/Ai thật sự là người tin Chúa cũng sẽ làm những việc Chúa đã làm: Dạy dỗ Lời Chúa, làm chứng, rao giảng Tin Lành cứu rỗi và nhân danh Chúa làm nhiều việc thiện lành, bác ái.
2/Chúng ta cần hiệp lực truyền bá Tin Lành, mở mang hội thánh Chúa ở khắp các tỉnh thành, quận huyện làng xã trên khắp đất nước.
3/Bạn có cảm thấy thương xót hàng triệu đồng bào, đồng loại của mình đang đau khổ, hư mất không? Hãy tham gia, hiệp tác với hội thánh để cứu vớt người hư mất.
4/ Hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Linh mở mắt, mở lòng nhiều người nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-su là con đường cứu rỗi duy nhất cho nhân loại.
5/ Hãy cầu nguyện cho chính bạn trở nên nhiệt thành, tham gia vào đội ngũ con gặt cho Chúa.
Câu hỏi thảo luận
1/ Sự kiện Chúa Giê-su có trụ sở tại Ca-pha-na-um và đi truyền bá Phúc Âm khắp các thành, các làng cho thấy một chiến lược gì?
2/ Hãy mô tả và giải thích ba công việc chính mà Chúa Giê-su đã làm?
3/ Sự kiện Chúa giảng Tin Lành cho người Do Thái chứng tỏ điều gì về người Do Thái?
4/ Tại sao Chúa Giê-su động lòng thương xót đám đông dân chúng?
5/ Bạn và hội thánh của bạn đã đáp ứng thế nào về lời kêu gọi của Chúa Giê-su. (c. 37,38)