Bài 31 – Giọng Miền Nam
Bài 31 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Ruộng lúa của người Do Thái thời xưa giống như đám rẫy trên núi của người sắc tộc tại Việt Nam chúng ta. Trong đám rẫy có những con đường mòn đi ngang qua đám ruộng. Người ta cũng thấy có những tảng đá và bụi cây đây đó trong đám rẫy.
Người gieo hạt giống lúc nào cũng muốn gieo vào những chỗ đất tốt; nhưng khi gieo, gió thổi hạt giống rơi vào con đường, nơi có đá sỏi hay bụi gai.
Các môn đệ Chúa hỏi Ngài tại sao Chúa dùng ngụ ngôn để dạy dỗ dân chúng? Chúa Giê-su dạy môn đệ Chúa một chân lý sâu sắc, những người đã tin Chúa là người đã được ban cho ân sủng để hiểu biết huyền nhiệm về Nước Đức Chúa Trời. Những người không có đức tin thì không thể hiểu huyền nhiệm về Nước Đức Chúa Trời. Hay nói một cách khác sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su là một huyền nhiệm của Đức Chúa Trời mà chỉ có những người đã đặt niềm tin của mình nơi Chúa Cứu Thế thì mới hiểu được.
I.Ngụ ngôn gieo giống
A.Nội dung ngụ ngôn người gieo giống bao gồm:
Người gieo giống: Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài.
Hạt giống: Đạo Nước Đức Chúa Trời, sứ điệp Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-su.
Đám ruộng gồm có bốn loại đất tượng trưng cho bốn loại tấm lòng.
Đường đi: Tấm lòng chai lỳ
Chỗ đất có đá: Tấm lòng mềm mại như lớp đất mỏng trên mặt, bên ngoài, nhưng trong lòng thì cứng như đá.
Chỗ đất có gai góc: Tấm lòng lo lắng về đời này thái quá, ham mê giàu sang.
Chỗ đất tốt: Tấm lòng mềm mại và màu mỡ.
B.Ý nghĩa ngụ ngôn
1.Một số hạt giống rơi trên đường đi, chim đến ăn hết.
Đường mòn trong đám ruộng là nơi người ta đi lại, đất bị giẫm lên, nén lại trở thành cứng rắn. Hạt lúa rơi xuống mặt đường, không chìm xuống lòng đất được. Chim chóc thấy hạt lúa trên mặt đất nên đáp xuống ăn hết.
Chim chóc tượng trưng cho ma quỷ. Đất trên mặt đường cứng rắn biểu tượng cho tấm lòng chai lỳ, cứng cỏi. Hạt giống Tin Lành của Chúa dù đã được rao truyền như nhiều người dù đã được nghe Tin Lành nhưng vẫn cứng lòng, không muốn tiếp nhận.
2.Một số hạt giống rơi vào chỗ có đá, không có nhiều đất.
Một vài nơi trong đám ruộng có những tảng đá ngầm phía dưới, trên mặt chỉ có một lớp đất mỏng. Hạt lúa rơi vào những chỗ này sẽ mọc lên ngay nhưng rễ không thể mọc ra và đâm sâu vào lòng đất vì đá ngăn cản.
Mặt trời tượng trưng cho sức nóng, những khó khăn hay bắt bớ. Hạt lúa rơi vào những chỗ có đá là biểu tượng cho những người nghe đạo của Chúa liền vui vẻ tiếp nhận Đạo nhưng không đâm rễ sâu đậm trong lòng nên không nhận được ân sủng và năng lực sống từ lòng đất, vì thế khi khó khăn, bắt bớ đến họ liền bỏ đạo.
3.Hạt giống rơi nhằm bụi gai.
Gai góc nếu không được nhổ đi từ khi cày bừa đám ruộng thì sẽ mọc lên rất nhanh và mạnh. Hạt lúa rơi vào giữa bụi gai sẽ bị chèn ép, nghẹt ngòi, không thể mọc lên và kết quả được.
Bụi gai trong đám ruộng tượng trưng cho tấm lòng quá lo lắng về đời sống vật chất và ham mê giàu sang. Những dục vọng về đời này sẽ bóp nghẹt đạo Chúa, đức tin của người tín hữu vì quá lo lắng cho đời này sẽ không tăng trưởng và kết quả cho Chúa.
4.Hạt giống rơi vào nơi đất tốt.
Đất tốt chỉ về tấm lòng mềm mại, chú ý lắng nghe Tin Lành, hiểu được sứ điệp huyền nhiệm của Đạo Chúa, tiếp nhận đạo cứu rỗi và nghiêm túc học hỏi, vâng lời và sống đạo. Chỉ có những người tin Chúa, nghiêm túc học hỏi Lời Chúa và vâng lời, sống đạo mới có thể đem lại kết quả cho Nước Chúa. Kết quả trong đời sống ở đây chủ yếu nói đến khả năng đem được nhiều người hư mất vào Nước Đức Chúa Trời. Chỉ có những người đã có sự sống vĩnh phúc của Chúa mới có thể chia sẻ sự sống cho người khác.
II.Tại sao Chúa dạy đạo bằng ngụ ngôn
Ngụ ngôn là những câu chuyện có tính cách biểu tượng; người nghe câu chuyện ngụ ngôn cần phải chú ý và để tâm suy gẫm thì mới có thể hiểu được.
Các môn đệ của Chúa ngạc nhiên vì thấy Chúa Giê-su dùng ngụ ngôn để dạy cho đám đông dân chúng nên họ hỏi Ngài.
Trong lời giải đáp cho các môn đệ, Chúa Giê-su đã dạy dỗ ba điều:
1/ Lời tiên tri của I-sa về sự cứng lòng của dân Israel trong thời Đấng Cứu Thế đang được ứng nghiệm.
Trong thời gian Chúa Giê-su thi hành chức vụ, rất đông dân chúng đến để nghe Chúa giảng dạy và được chữa bệnh, trừ tà … nhưng chỉ có một số ít người thật lòng tin và theo Ngài. Tiên tri I-sa đã mô tả dân Israel như những người có tâm trí tối tăm, mắt mù lòa, tai điếc đối với sứ điệp cứu rỗi của Chúa Cứu Thế.
Đại đa số những giới lãnh đạo Do Thái giáo cũng như dân chúng thời ấy đã chứng kiến tận mắt Đấng Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống và nghe Tin Mừng cứu rỗi từ Ngài. Đây là một đặc ân vô tiền khoáng hậu mà nhiều tiên tri cũng như những người công chính thời xưa mong ước được thấy và nghe. Những người Do Thái thời Chúa Giê-su đã bỏ mất một dịp tiện lớn lao.
Ngày nay nhiều người ở những nước Tây Phương cũng đang ở trong tình trạng này. Đạo Chúa Cứu Thế đang được giảng dạy và rao truyền bằng nhiều phương tiện truyền thông như sách báo, radio, TV, internet … hằng ngày, nhưng đa số dân chúng không để tâm chú ý, lắng nghe. Người ta chạy theo những chương trình giải trí, thể thao …
2/ Phước cho những người tin và hiểu được huyền nhiệm cứu rỗi của Nước Đức Chúa Trời.
Sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su là một huyền nhiệm của Đức Chúa Trời mà chỉ có những người tin Ngài thì mới được mở trí để hiểu biết. Cho nên, Chúa Giê-su dạy rằng đức tin nơi Đức Chúa Trời và nơi Chúa Cứu Thế Giê-su là một ân phúc của Chúa.
Chúa khen những môn đệ là những người có phước vì họ đã để tâm tìm hiểu, cố ý lắng nghe lời dạy dỗ của Chúa và hiểu biết ý chỉ và chương trình cứu rỗi của Ngài.
Ngày nay, là những môn đệ của Chúa chúng ta là những người đã được phước lớn, hãy vâng lời Chúa truyền bá Phúc Âm cứu rỗi cho mọi người.
Phước cho người nào nghe, hiểu và tin Phúc Âm cứu rỗi của Chúa để nhận được sự sống vĩnh phúc của Ngài và phước cho những người biết chia sẻ sự sống mới cho những người khác.
3/ Người đã có sự sống đời đời và chia sẻ sự sống ấy cho người khác sẽ không mất đi sự sống của mình nhưng sẽ nhận được thêm phúc lành của Chúa.
Niềm vui khi thấy người khác tin Chúa và được cứu rỗi là một niềm vui thiên thượng, cao quý và lâu bền.
Áp dụng
1/Muốn là mảnh đất tốt cho Chúa, bạn nên làm gì?
2/ Theo lời Chúa dạy, ai là người có phước?
3/ Thế nào là tấm lòng, đời sống tốt trước mặt Chúa?
4/ Chúng ta phải làm gì và có thái độ nào để được phước và sinh kết quả cho Nước Chúa?
5/ Hãy xét lại đời sống tin kính của mình để biết những nguyên nhân nào đã ngăn cản bạn sinh bông trái (kết quả) cho Chúa?
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Tại sao Chúa Giê-su dùng ngụ ngôn để dạy dỗ đám đông dân chúng?
2/ Theo Chúa Giê-su ai là người có phước?
3/ Tại sao một số người tin Chúa ít lâu rồi lại bỏ đạo?
4/ Tại sao một số tín hữu không có bông trái (kết quả) thuộc linh cho Chúa?
5/ Một tín hữu phải có tấm lòng như thế nào và hành động gì để đem lại kết quả cho Nước Chúa?