Bài 33 – Giọng Miền Nam
Bài 33 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Loài người nói chung ai cũng muốn sở hữu những vật quý giá.
Sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su là một kinh nghiệm vô cùng quý giá nhưng đây cũng là một vấn đề tâm linh và có tính cách cá nhân. Mỗi người phải ý thức được giá trị của nó và có hành động thích ứng để nhận được sự cứu rỗi.
I.Kho châu báu và ngọc trai
Chúa Giê-su cho biết Nước Thiên Đàng hay Nước Đức Chúa Trời là một thực tại hết sức quý giá như là một kho châu báu lớn lao và quý giá. Tuy nhiên kho châu báu thường được cất giấu ở nơi kín đáo, ít người biết đến. Theo ngụ ngôn, kho châu báu được chôn trong một đám ruộng. Đồng ruộng là nơi vắng vẻ, không có nhà cửa, dân cư đông đúc nên người ta khó biết được.
Người muốn nhận được Nước Thiên Đàng là người có lòng mong muốn và có ý tìm kiếm nó. Từ xưa đến nay nhiều người không quan tâm, tìm hiểu Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-su vì họ cho rằng “đạo nào cũng tốt.” Vì không quan tâm tìm hiểu nên người ta không thấy và không biết được giá trị lớn lao của sự sống vĩnh phúc trong Chúa Cứu Thế Giê-su.
Một người khi nghe Phúc Âm cứu rỗi và nhận biết giá trị lớn lao của nó người đó cũng phải có quyết định và hành động để sở hữu kho báu ấy. Người ta không thể nhận được sự sống vĩnh phúc vì nghe, biết giá trị lớn lao của nó nhưng không có quyết định và hành động gì cả.
Qua ngụ ngôn kho châu báu, Chúa Giê-su dạy rằng một người khi tìm thấy và nhận thức được rằng sự sống vĩnh phúc trong Chúa Cứu Thế Giê-su là quy báu hơn tất cả gia tài mà người đó đang có thì người đó phải sẵn sàng đánh đổi nó. Chúa Giê-su cũng đã dạy, “vì người nào dù được cả thế giới mà mất linh hồn mình , người ấy được ích gì? Hay có ai lấy gì để đánh đổi được linh hồn mình không?” Mat 16:26
Ngụ ngôn kho châu báu và ngọc trai không có ý dạy rằng người ta có thể mua được sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su nhưng cho biết vì sự sống vĩnh phúc là quá quý giá và có giá trị lớn lao nên người ta sẵn sàng đánh đổi lấy những gì quý giá mà mình đang có. Điều này cũng không đòi hỏi mỗi chúng ta phải bán hết gia tài, điền sản dâng cho Chúa để có được sự sống vĩnh phúc. Ngụ ngôn này dạy rằng sự sống vĩnh phúc trong Chúa Cứu Thế Giê-su là một kinh nghiệm quý giá lớn lao nên người nhận được sự sống mới này không ngần ngại dù có phải mất hết tài sản quý báu ở thế gian này. Trong lịch sử đạo Chúa có rất nhiều con dân Chúa nhất quyết không chịu chối Chúa dù phải bị mất hết tài sản và ngay cả tính mạng của họ.
II.Ngụ ngôn về chài lưới
Ngụ ngôn về chài lưới nói đến ngày phán xét cuối cùng. Ngụ ngôn này dạy chúng ta ít ra là bốn điều:
1/Sẽ có ngày phán xét cuối cùng cho nhân loại.
Sách Khải Huyền cho biết tất cả mọi người đều sẽ bị phán xét tùy theo công việc của mình. Khải 20:11-15. Đây là điều an ủi cho những người công chính vì Đức Chúa Trời là Đấng công bình; Ngài sẽ xét xử công bình cho tất cả mọi người. Không có kẻ ác nào sẽ thoát khỏi hình phạt của Đức Chúa Trời.
2/ Trong sự phán xét vào ngày tận thế loài người sẽ bị phân ra làm hai loại, người tốt hay là người công chính, tức là người đã được cứu rỗi. Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước đều dạy rằng một người được tuyên xưng công chính là nhờ đức tin (Sáng Thế 15:6; Rôm 3:26), được thanh tẩy hết mọi tội lỗi bởi huyết của Chiên Con (1 Giăng 1:7, 9) và những người xấu là người tội lỗi, vô tín.
3/ Hỏa ngục là một thực thể có thật vì chính Chúa Giê-su và Kinh Thánh xác nhận. Mat 18:9; Khải 20:14-15
4/ Số phận của người vô tín, không tin Chúa Cứu Thế Giê-su làm Đấng cứu rỗi mình là hình phạt đời đời nơi hỏa ngục đau khổ.
Nếu bạn là môn đệ của Chúa Cứu Thế bạn sẽ hiểu rõ chân lý này vì Đức Thánh Linh đang ngự trong lòng chúng ta bày tỏ, giải thích cho chúng ta hiều. (Giăng 16:13)
Câu 52 là câu hơi khó hiểu và được bàn cải khá nhiều. “Giáo sư Kinh Luật” là ai ? Là giáo sư Do Thái giáo hay là Giáo sư Cơ Đốc giáo ? “Chủ nhà” là Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su hay tín hữu ? “Những bảo vật mới và cũ” là những gì ?
Giáo sư Kinh Luật là từ ngữ chỉ về những người Do Thái học hỏi, hiểu biết và giải nghĩa Kinh Luật Cựu Ước. Những giáo sư Kinh Luật Do Thái giáo học làm môn đệ Nước Thiên Đàng là những người giáo sư Kinh Luật trở thành môn đệ Chúa Cứu Thế Giê-su. Khi một người giáo sư Kinh Luật Do Thái giáo trở thành môn đệ của Chúa Cứu Thế thì người đó có thể sử dụng nhiều kiến thức của mình về Kinh Thánh Cựu Ước cùng với những kiến thức mới của Chúa Cứu Thế và Cơ Đốc giáo. Thật ra Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng làm ứng nghiệm mọi điều răn và lời hứa về Đấng Mê-si-a trong Kinh Thánh Cựu Ước. Phao-lô là người giáo sư Kinh Luật trở thành môn đệ Chúa Cứu Thế và ông đã sử dụng kiến thức về Kinh Thánh Cựu Ước cùng với những kiến thức mới về Nước Đức Chúa Trời một cách hiệu quả nhất.
Chúa Giê-su cũng dạy rõ, phước cho những người hiểu biết các chân lý về Nước Đức Chúa Trời và làm theo. “Các con biết những điều này và đem ra thực hành thì được phước.”
Giăng 13:17
III.Tiên tri không được tôn trọng tại quê hương mình
Chúa Giê-su về Na-xa-rét, là làng quê của Ngài. Chúa vào hội đường và dạy dỗ Kinh Thánh tại đây. Chúa Giê-su đã sống và lớn lên ở đây khoảng ba mươi năm. Tuy nhiên trong suốt thời gian này Chúa Giê-su chưa chính thức công khai thi hành chức vụ của Ngài. Kinh Thánh không ghi lại điều gì khác thường trong cuộc đời của Ngài ngoại trừ Lu-ca ghi lại một biến cố tại Giê-ru-sa-lem khi Ngài mười hai tuổi. Chúa Giê-su ngồi giữa các giáo sư Do Thái giáo trong đền thờ vừa nghe vừa hỏi; các giáo sư và những người trong đền thờ đều “kinh ngạc về sự hiểu biết và những lời đối đáp của Ngài.” Lu-ca 2:46-52 Nhưng từ đó Ngài trở về sống với cha mẹ như những trẻ em bình thường khác cho đến lúc Ngài ba mươi tuổi.
Vào lúc này Chúa Giê-su đã bắt đầu chức vụ và đã thực hành nhiều phép lạ vì thế những người ở Na-xa-rét đã hỏi, “Nhờ đâu người này được thông sáng và làm nổi những việc quyền năng này?” Ma-thi-ơ ghi rằng Chúa Giê-su là “con của ông thợ mộc”. Vào thời ấy con học nghề từ cha là việc bình thường. Mác ghi rõ Chúa Giê-su là người thợ mộc Mác 6:3. Giáo phụ Justin Martyr trong tác phầm Dialogue ghi rằng Chúa Giê-su chuyên làm cày và ách. Điều này cho thấy Chúa Giê-su không theo học với một giáo sư hay trường chính thức nào tại Giê-ru-sa-lem.
Những người dân làng Na-xa-rét biết rõ bà Ma-ri, các em trai của Ngài là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn và Giu-đê cũng như các em gái của Ngài. Vì biết một số sự kiện về bối cảnh gia đình của Chúa Giê-su, những người dân làng Na-xa-rét đã trở nên mù lòa trước sự khôn ngoan thiên thượng và những phép lạ Chúa Giê-su đã thực hiện. Thành kiến khiến cho người ta trở nên cứng lòng, mù lòa trước những giá trị thiêng liêng. Ma-thi-ơ nhận xét rằng Chúa Giê-su không làm nhiều phép lạ tại Na-xa-rét vì lòng vô tín của dân làng tại đây.
Mác cũng ghi lại nhiều trường hợp Chúa Giê-su đã thi hành phép lạ mà không tùy thuộc vào đức tin của người nhận được ân huệ như Chúa cứu người chết sống lại… Vì thế sự vô tín của những người ở Na-xa-rét không có quyền ngăn cản Chúa làm phép lạ; nhưng Chúa Giê-su không muốn làm phép lạ cho những người vô tín vì nó không đem lại ích lợi gì cho sứ mệnh của Ngài.
Áp Dụng
1/ Theo bạn, sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su là quý báu bao nhiêu?
2/ Nếu bạn phải mất hết tài sản của mình để đánh đổi lấy sự sống vĩnh phúc của Chúa Cứu Thế Giê-su, bạn sẽ chọn lựa điều nào? Tại sao?
3/ Xin nêu lên hai điều mà ngụ ngôn về chài lưới dạy.
4/ Theo bạn hỏa ngục đời đời là có thật hay không? Tại sao?
5/ Bạn có phải là người công chính trước mặt Chúa không? Làm thế nào để được trở nên công chính trước mặt Chúa trong ngày phán xét?
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Tại sao một số người sẽ bỏ Chúa khi gặp hoạn nạn, khó khăn?
2/ Trong lịch sử Đạo Chúa từ hai ngàn năm nay nhiều tín hữu đã không chối Chúa và giữ vững đức tin dù bị mất tất cả tài sản? Bạn có biết tại sao không?
3/ Bạn có tin rằng trong ngày phán xét cuối cùng tất cả mọi người đều sẽ bị xét đoán và mọi người sẽ bị báo trả tùy theo việc lành hay ác mình đã làm. Tại sao bạn ti điều này?
4/Ngày phán xét cuối cùng nói lên đức tình gì nơi Đức Chúa Trời? Tại sao đây là một sự an ủi cho những người công chính trên thế gian?
5/ Số phận của những kẻ ác và vô tín là gì?