Bài 18 – Giọng Miền Nam
Bài 18 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Vào đầu thời Công Nguyên người Do Thái đang mong đợi Đấng Mê-si-a của họ đến, nhưng nhiều người Do Thái cho rằng Đấng mà họ mong đợi là một vị vua, sẽ giải phóng dân tộc họ thoát họ khỏi ách đô hộ của người La Mã và lãnh đạo, hướng dẫn quốc gia thành một quốc gia hùng cường, giàu mạnh như thời hoàng kim trước đây. Vì thế khi Chúa Giê-su bắt đầu chức vụ có nhiều người theo với nhiều ước vọng khác nhau. Ngay cả các Sứ Đồ cũng đã tranh luận với nhau xem ai sẽ là người lớn nhất trong vòng họ, nghĩa là ai sẽ giữ chức vụ cao nhất trong triều “Vua Mê-si-a”. Mat 18:1-5
Ma-thi-ơ cho thấy trong lúc này, Chúa Giê-su tránh lôi cuốn nhiều đám đông theo mình vì ít ra là hai lý do Chúa Giê-su không muốn thu hút đám đông dân chúng:
1/ Đa số dân chúng theo Chúa vì lý do mong đợi một Đấng Mê-si-a quân sự và chính trị.
2/ Nhiều người chỉ muốn theo Chúa để được chữa bệnh vì họ coi Chúa Giê-su như một người chuyên chữa bệnh và làm phép lạ. Trong khi đó Chúa Giê-su đã hơn một lần cho nhóm môn đệ biết rằng mục đích chính của Ngài xuống thế gian là để truyền bá Phúc Âm, cứu rỗi nhân loại. Mác 1:38 Vì thế khi thấy đám đông từ Ca-pha-na-um kéo đến Chúa truyền cho các môn đệ đi qua bên kia biển hồ Ga-li-lê, là phía bờ thanh vắng, ít người cư ngụ hơn.
I.Phúc lành vật chất
Trong số những người theo Chúa qua bên kia bờ hồ, có một giáo sư Kinh Luật đến xin Ngài “Thưa thầy, thầy đi đâu tôi sẽ theo đó.” Mới nghe, người ta thấy vị giáo sư này có vẻ cả quyết đi theo Chúa Giê-su, nhưng Chúa thấy trong lòng người nên Ngài phán, “con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu.” Chúa Giê-su dùng danh hiệu Con Người để chỉ về Ngài; danh hiệu này đã được nói đến trong sách Đa-ni-ên 7:13 để chỉ về Đấng Mê-si-a. Đấng Mê-si-a đang ở trong thế gian và Ngài không có một chút tài sản nào cả. Xét qua toàn thể các sách Phúc Âm chúng ta thấy Chúa Giê-su không sở hữu vật gì cả trên thế gian này. Chúa Giê-su không có nhà riêng, đất đai hay tài sản nào khác trên thế giới này. Vì thế Ngài bảo vị giáo sư kia, “con cáo có hang, chim có tổ.” nhưng Ngài không có lấy những điều căn bản này trên đất và Ngài cũng không có ý định hay hy vọng sở hữu tài sản trên đất. Nghe như vậy, giáo sư Kinh Luật kia không theo Ngài nữa.
Chúa Giê-su không bao giờ hứa sẽ ban cho người theo Ngài nhà cửa, tài sản, đất đai hay một ân phúc vật chất gì trên đất này nhưng Ngài hứa sẽ sửa soạn sẵn cho con dân Chúa ngôi nhà trên trời, “trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở.” Giăng 14:2 Thật ra Chúa dạy rằng loài người chúng ta không thể theo hay phục vụ hai chủ cùng một lúc, tức là theo Chúa hay theo đuổi tiền bạc, tài sản giàu có. Vì thế người theo Chúa chỉ vì mong được phước vật chất sẽ thất vọng như vị giáo sư Kinh Luật này. Tuy nhiên Chúa Giê-su cũng dạy rằng, “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, và Ngài sẽ ban thêm cho các con mọi điều ấy nữa.” Nghĩa là con dân của Chúa nên tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và đời sống công chính đẹp lòng Chúa rồi Ngài sẽ chu cấp cho con dân Chúa những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Những công việc nhằm mở mang và phát triển Vương Quốc Chúa nên được con dân Chúa đặt vào ưu tiên cao trong đời sống.
II.Thời gian cấp bách
Ma-thi-ơ ghi rằng một môn đệ của Chúa, tức là một người đã tin và theo Ngài. Người này thưa cùng Chúa, “Thưa thầy, cho con về chôn cất cha con trước đã.” Theo phong tục Do Thái, người chết phải được chôn cất ngay trong ngày. Như thế, nếu cha người môn đệ này chết thì người này không thể nào ở cùng Chúa vào lúc ấy; người này tất phải lo việc tang chế và chôn cất cha mình. Thành ngữ “chôn cất cha trước” có nghĩa là người này muốn ở lại lo cấp dưỡng cho cha mình cho đến khi cha qua đời rồi mới đi theo Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su đáp, “con hãy theo Ta, để người chết chôn kẻ chết của họ.” Chúa Giê-su dùng từ “người chết” ở đây với nghĩa bóng, tức là những người đang chết về phần tâm linh vì người chết vào lúc ấy vẫn còn hoạt động. Khi trả lời như thế Chúa Giê-su ám chỉ người này còn nhiều thân nhân khác trong gia đình, là những người có thể chăm sóc cha anh ta. Đối với Chúa Cứu Thế, theo Ngài để “dạy dỗ Lời Chúa, giảng Phúc Âm và làm nhiều việc thiện lành giúp đỡ người đau yếu, khốn khổ” (Mat 9:35) là công việc quan trọng và cấp bách hơn.
Công tác truyền bá Phúc Âm là quan trọng và cấp bách vì người nào chưa tiếp nhận Chúa Cứu Thế mà qua đời thì sẽ bị chết mất đời đời nơi hỏa ngục. Vì thế chúng ta cần truyền bá Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-su cho mọi người để ai nấy đều sẽ có cơ hội nghe Tin Lành cứu rỗi trước khi họ không có cơ hội nữa vì qua đời hay vì Chúa tái lâm.
Xin Chúa mở mắt chúng con để chúng con hiểu được sư quan trọng và cấp bách của sứ mệnh truyền bá Phúc Âm cứu rỗi cho đồng bào, đồng loại.
III.Đức tin cần tăng trưởng
Biển hồ Ga-li-lê nằm giữa những rặng núi và thường hay có những trận bão thình lình. Chúa Giê-su và các môn đệ đã xuống thuyền chèo qua bên kia bờ. Có một trận gió mạnh thổi đến, nước biển hồ động mạnh, thuyền bị sóng đánh gần chìm. Chúng ta biết rằng nhiều môn đệ của Chúa là người đánh cá chuyên nghiệp, nhưng họ cũng không thể chèo chống con thuyền bình an.
Trong khi đó Chúa Giê-su đang ngủ sau thuyền; biến cố này cho chúng ta thấy một vài điều về Chúa Giê-su:
1/ Chúa Giê-su là một con người thật như chúng ta. Sau một thời gian giảng dạy, ngài cảm thấy mệt như mọi người bình thường khác, nên khi ở dưới thuyền Ngài đã ngủ.
2/ Các môn đệ Chúa đã bắt đầu ý thức rằng Chúa là người có quyền năng nên đã biết kêu cầu Ngài giải cứu họ.
3/ Chúa Giê-su hy vọng đức tin của môn đệ Chúa tăng trưởng theo thời gian họ theo Ngài.
Các môn đệ Chúa đã cố gắng chèo chống thuyền và không đánh thức Chúa dậy ngay khi bắt đầu có gió bão, nhưng họ chỉ đánh thức Chúa dậy và cầu cứu Chúa cứu họ khi họ không có hy vọng giữ cho thuyền khỏi bị chìm.
Chúa Giê-su cho rằng các môn đệ đang có Chúa ở cùng họ nhưng họ vẫn sợ, tức là họ đã có rất ít đức tin nơi Ngài. Chúa mong rằng những người theo Ngài thì cũng hãy tin cậy nơi Ngài và người tin cậy nơi Chúa sẽ không bị lo âu, sợ hãi cho đời sống mình. Hàng triệu người tín hữu của Chúa trong lịch sử và cho đến nay đã kinh nghiệm được sự bình an, yên ổn, bảo vệ trong cánh tay yêu thương của Chúa Cứu Thế.
Chúa Giê-su thức dậy và trách các môn đệ, “hỡi những kẻ ít đức tin.” Chúa muốn thấy đức tin của chúng ta tăng trưởng mạnh mẽ để không những có sự bình an, không lo lắng, sợ hãi nhưng con dân của Chúa cũng có thể làm được nhiều điều cho Chúa.
Dù Chúa trách các môn đệ ít đức tin, nhưng Ngài cũng đứng lên quở gió và biển, làm cho sóng gió yên lặng. Chúa của chúng ta là Đấng quyền năng và yêu thương; Ngài có thể quở trách, kỷ luật con dân Chúa nhưng Ngài lúc nào cũng bảo vệ, gìn giữ con cái Chúa.
Vào lúc này các môn đệ đã theo Chúa một thời gian ngắn, đã nghe Ngài dạy dỗ và chứng kiến một số những phép lạ Chúa đã làm. Tuy nhiên họ vẫn ngạc nhiên về quyền năng của Chúa. Những môn đệ cũng như đa số người Do Thái lúc ấy có thể tin rằng Chúa Giê-su là một giáo sư, một tiên tri đầy quyền năng; nhưng như người có quyền trên thiên nhiên là điều vượt quá sự hiểu biết của đa số mọi người.
Ma-thi-ơ cũng như các trước giả Phúc Âm khác cho thấy Chúa Giê-su không những là một người thật nhưng Ngài cũng Con Đức Chúa Trời quyền năng.
Áp dụng
1/ Bạn tin và theo đường lối của Chúa Cứu Thế Giê-su để được những gì?
2/ Bạn có bằng lòng tin và theo Chúa Giê-su không, dù bạn không được các phúc lành vật chất như giàu có, danh tiếng, địa vị trên đời này? Tại sao?
3/Bạn có thấy việc làm chứng và truyền giảng Phúc Âm (Tin Lành) là điều cấp bách? Tại sao?
4/ Chúa Giê-su coi những người không tin cậy và theo Ngài là những người gì?
5/ Chúa Giê-su cho biết khi nào thì một người tín hữu sẽ lo lắng, sợ hãi?
Câu hỏi thảo luận
1/Theo bạn tại sao người giáo sư Kinh Luật kia không theo Chúa Giê-su?
2/ Lý do nào khiến người môn đệ kia muốn ở nhà chăm sóc cho cha mình cho đến khi cha qua đời rồi mới theo Chúa?
3/ Bạn có thấy công việc truyền bá Phúc Âm là cấp bách như Chúa Giê-su dạy không? Tại sao?
4/ Chúa Giê-su muốn thấy đức tin của chúng ta ngày càng thế nào? Tại sao?
5/ Bạn có tin rằng Chúa Giê-su là một người thật, nhưng Ngài đồng thời cũng là Con Đức Chúa Trời, đấng có quyền trên đời sống và cả trên thiên nhiên nữa? Hãy nêu lên hững lý do khiến bạn tin như thế?