Bài 30 – Giọng Miền Nam
Bài 30 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo ra vũ trụ này; Ngài là Đấng Chủ Tể vũ trụ và Ngài hành động theo ý chỉ thánh của Chúa. Loài người là vật thọ tạo; Chúa không cần hỏi ý kiến ai cả khi tạo nên con người và vũ trụ vạn vật. Có ai trong vòng chúng ta được hỏi ý kiến khi mình được sinh ra không? Thật ra chính đời sống của chúng ta là món quà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta.
Chúa Cứu Thế Giê-su đã thực hiện rất nhiều những phép lạ mà Kinh Thánh đã nói đến để minh chứng rằng Ngài là Đấng Mê-si-a. Chúa Giê-su đã nhắc nhở những môn đệ của Giăng về những điều Ngài đã làm: “người mù được thấy, kẻ què được đi, người phung được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại và kẻ nghèo được nghe giảng Phúc Âm.” Đây chính là những dấu hiệu tiên tri I-sa đã tiên báo về thời đại Đấng Mê-xi-a. (I-sa 61:1-2)
Vì thế khi đòi hỏi thêm những dấu lạ khác nữa các giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si đã chứng tỏ lòng dạ chai đá vô tín của họ.
I.Đấng vĩ đại hơn tiên tri Giô-na và nữ hoàng Sê-ba
Những giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si là những người tự hào rằng họ hiểu biết và tuân giữ Kinh Luật hơn những người khác. Nhưng những người Do Thái này cũng như Giăng Báp-Tít đã vì một số định kiến nào đó đã trở nên mù lòa, không thấy rằng Chúa Giê-su đã thi hành nhiều dấu lạ đã được Kinh Thánh tiên báo. Đây là lý do Chúa Giê-su đã gọi họ là “dòng dõi gian ác, bất trung.” Những giáo sư Kinh Luật và người Pha-ri-si khi yêu cầu Chúa Giê-su làm thêm những dấu lạ khác cho họ xem đã chứng tỏ rằng:
1/ Họ không tin tưởng Kinh Thánh vì Kinh Thánh đã nói đến những dấu lạ này về Đấng Cứu Thế và thời đại của Ngài. I-sa 26; 29;35;61:1-2
2/Nhưng những người này chỉ muốn Đức Chúa Trời làm theo ý riêng của họ.
Chúa Giê-su đề cập đến dấu lạ của tiên tri Giô-na. Người Do Thái tin Kinh Thánh ắt tin rằng câu chuyện tiên tri Giô-na bị cá nuốt ba ngày là chuyện có thật. Chúa Giê-su với thẩm quyền của Đấng Mê-si-a, Con Đức Chúa Trời chí cao cũng phán tiên tri rằng, Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm. Ở đây Chúa Giê-su tiên báo về cái chết và sự sống lại của Ngài.
Một số người trích dẫn thành ngữ “Ba ngày ba đêm” để chứng tỏ rằng Ma-thi-ơ hay Kinh Thánh không chính xác vì Chúa Giê-su đã không chết và sống lại trong ba ngày với 24 giờ.
Có hai cách giải thích để cho thấy Kinh Thánh là chính xác:
1/ Quan niệm của người Do Thái và nhiều dân tộc Đông Phương khác cho rằng thời gian từ lúc mặt trời lặn đến mặt trời mọc là một ngày, nên không nhất thiết một ngày phải đủ 24 giờ như quan niệm Tây Phương. Như vậy Chúa Giê-su chết vào ngày thứ Sáu đến sáng Chúa Nhật, ngày thứ Nhất trong tuần, là đúng ba ngày.
2/ Giải pháp thứ hai theo Giáo sư James M. Boice, người Do Thái thời ấy theo Âm lịch (360 ngày/ năm) cho nên tuần lễ Chúa Giê-su thọ nạn có hai ngày Sa-bát. Ngày sa-bát thứ nhất là ngày Sa-bát bình thường hàng tuần, ngày Sa-bát thứ hai là ngày Sa-bát của lễ Vượt Qua mà trong tuần lễ Vượt Qua này lại rơi vào ngày thứ Sáu. Người Do Thái giữ cả hai ngày Sa-bát. Vì thế theo giáo sư Boice, Chúa Giê-su bị đóng đinh vào ngày thứ Năm và sống lại vào sáng ngày Chúa Nhật.[1]
Như vậy Kinh Thánh rất chính xác nếu chúng ta hiểu đúng theo văn hóa của thời đó.
Người Do Thái tin vào Kinh Thánh và tin rằng tiên tri Giô-na là câu chuyện lịch sử có thật nhưng họ lại không tin vào Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời hằng sống và những phép lạ Ngài đã thực hiện trước mắt họ. Đấng Mê-si-a hay Con Đức Chúa Trời là Đấng cao trọng hơn tiên tri Giô-na bội phần. Ngoài ra khi tiên tri Giô-na rao giảng cho dân Ni-ni-ve, một dân tộc ngoại đạo, tàn bạo của đế quốc A-si-ri thì những người này từ vua đến dân chúng đều ăn năn, hối cải. (Giô-na 3:1-10). Nhưng những người Do Thái từ giới lãnh đạo tôn giáo đến đa số dân chúng vẫn không tin nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ, vì thế hình phạt dành cho người Do Thái càng nặng nề hơn vì họ đã có nhiều cơ hội và dịp tiện tốt hơn dân Ni-ni-ve.
Lịch sử Do Thái ghi nhận vua Sa-lô-môn là vị vua khôn ngoan nhất thế giới thời bấy giờ. Nữ hoàng Sê-ba từ Châu Phi xa xôi đã tìm đến để học hỏi sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn. Chúa Cứu Thế Giê-su là Con Đức Chúa Trời toàn năng và toàn tri. Chúa Cứu Thế Giê-su đã thi hành nhiều phép lạ để chứng tỏ thần tính của Ngài và Ngài là Đấng vĩ đại hơn cả vua Sa-lô-môn nhưng đa số giới lãnh đạo và dân Do Thái vẫn không tin nhận Ngài, vì thế họ sẽ bị phán xét nặng nề hơn.
II.Hậu quả của sự vô tín
Kinh Thánh Tân Ước ghi lại một số trường hợp một người không phải chỉ bị một tà linh ám nhưng có trường hợp cả một đội quân ám một người (Mác 5:1-17). Chúa Giê-su cho biết một tà linh có thể rủ thêm nhiều tà linh khác đến chiếm ngự trong một người và dĩ nhiên tình trạng này sẽ tệ hại hơn là chỉ bị một tà linh khống chế.
Chúa Giê-su giải thích tình trạng này để ám chỉ người Do Thái thời bấy giờ, vì Ngài phán: “Thế hệ gian ác này cũng sẽ như vậy.” Người Israel đã được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi ách nô lệ và vùng thờ nhiều hình tượng; Ngài cũng đã lập giao ước với họ để dân Israel chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời. Tuy nhiên lịch sử Israel cho thấy họ đã từ bỏ Chúa để tin theo và thờ phượng nhiều tà thần khác nhau. Trong lịch sử Israel cho đến thời bấy giờ đất nước Israel đã bị chiếm đóng và dân chúng bị lưu đày hai lần. Nước Israel ở miền bắc đã bị quân A-si-ri chiếm đóng và dân chúng bị lưu đày năm 721 TCN; nước Giu-đa ở phía nam cũng bị quân Ba-by-lôn xâm chiếm và dân bị lưu đày năm 597 TCN. Sau khi bị lưu đày 70 năm, dân Do Thái được Chúa cho hồi hương dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên, Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi. Nhưng vào đầu Công Nguyên và trong thời của Chúa Cứu Thế Giê-su người Do Thái chỉ còn giữ hình thức thờ phượng Đức Chúa Trời bên ngoài, đa số giới lãnh đạo tôn giáo lẫn chính trị đều chạy theo quyền thế, địa vị và vật chất. Điều tệ hại hơn nữa là Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-su đến với họ trong thân xác con người, một người Israel như họ, nhưng dù đã thấy tận mắt, nghe tận tai sự dạy dỗ cũng như những phép lạ của Con Đức Chúa Trời, đa số giới lãnh đạo lẫn dân chúng Do Thái đã từ khước, không tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế của họ. Vì thế Chúa Giê-su tiên báo rằng dân Do Thái sẽ bị hình phạt nặng nề hơn. Điều này đã được ứng nghiệm vào năm 70 SCN. Quân La Mã đã chiếm đóng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, hủy phá đền thờ Đức Chúa Trời và bắt lưu đày biệt xứ đại đa số dân chúng.
III.Người làm theo ý Đức Chúa Cha là người thuộc gia đình thiên thượng của Chúa Cứu Thế
Đang khi Chúa Giê-su đang dạy dỗ đám đông “mẹ và các em Ngài đến đứng ở ngoài, muốn nói chuyện với Ngài.” Mác ghi rằng, “thân nhân Ngài nghe vậy tìm đến canh chừng Ngài, vì họ bảo rằng Ngài bị quẫn trí.” Mác 3:21 Chúng ta thấy lúc này gia đình Chúa Giê-su chưa tin nhận Ngài là Chúa Cứu Thế. Nhưng sau này gia đình Ngài đều tin Ngài và tham gia cầu nguyện trên lầu cao trước khi Đức Thánh Linh giáng lâm. (Công Vụ 1:14) Truyền thuyết hội thánh và nhiều học giả tin rằng Gia-cơ, em Chúa Giê-su chính là người quản nhiệm hội thánh Giê-ru-sa-lem và là người chủ tọa hội nghị Công Đồng đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem. (Công Vụ 15:1-21)
Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời; Ngài là Đấng thành lập hội thánh Đức Chúa Trời, (Mat 16:18-19) cũng được gọi là Nhà Đức Chúa Trời hay đại gia đình của Đức Chúa Trời. Vì thế người nào làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, tức là tin nhận Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời làm Đấng Cứu Thế của mình, sẽ là thành viên của gia đình của Chúa.
Áp dụng
1/Hãy nêu lên một vài ân phúc mà Chúa đã ban cho bạn để cảm tạ ơn Chúa.
2/ Những người tin rằng Chúa Giê-su đã chết thay cho tội lỗi của mình và đã sống lại sẽ được ân phúc gì? Nếu bạn đã nhận được ân phúc đó, hãy dâng lời cảm tạ Chúa.
3/ Bạn có tin rằng Chúa Cứu Thế Giê-su là vĩ đại hơn tất cả những thần thánh và giáo chủ khác không? Tại sao?
4/ Những người đã có dịp tiện nghe Tin Lành nhưng vẫn không tin thì sẽ như thế nào?
5/ Chúa Giê-su dạy rằng ai sẽ là người thuộc về gia đình thiên thượng của Chúa ?
Câu hỏi thảo luận
1/ Tại sao Chúa Giê-su không làm phép lạ theo lời yêu cầu của người Pha-ri-si ?
2/ Dấu lạ của tiên tri Giô-na nói về điều gì?
3/ Chúa Cứu Thế Giê-su vĩ đại hơn Giô-na ở điểm nào?
4/ Chúa Cứu Thế Giê-su vĩ đại hơn vua Sa-lô-môn ở điểm nào?
5/ Tại sao những người đã được nghe Tin Lành nhưng vẫn cứng long không tin sẽ bị hình phạt nặng nề hơn?
[1] James Montgomery Boice, The Gospel of Matthew, vol 1, tr. 222