Bài 5 – Giọng Miền Nam
Bài 5 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Ngay từ sách Sáng Thế trong Kinh Thánh Cựu Ước Đức Chúa Trời đã dùng các tiên tri tiên báo về Đấng Cứu Thế mà Ngài sẽ sai đến thế gian để giải cứu loài người.
Trong thời gian trước khi Chúa Giê-su giáng sinh, Đức Chúa Trời đã kêu gọi Giăng Báp-tít làm người tiền phong, chuẩn bị lòng người để đón nhận Đấng Cứu Thế. Lu-ca cho chúng ta biết thể nào Giăng Báp-Tit đã được hoài thai và mẹ ông, bà Ê-li-a-bét là người có họ hàng với Ma-ri, mẹ của Đức Giê-su. Lu-ca 1:3-25; 39-45
I.Giăng Báp-tít vâng lời Chúa như một tiên tri
Giăng Báp-Tít chính là người tiền phong cho Chúa Cứu Thế mà các tiên tri thời Cựu Ước đã
tiên báo. Lu-ca cho biết thêm ông là con của thầy tế lễ Xa-cha-ri và mẹ là Ê-li-sa-bét, có họ hàng với Ma-ri, mẹ Đức Giê-su.(Lu-ca 1:5-25; 39-45) Giăng bắt đầu truyền giảng trong đồng hoang xứ Giu-đê và cách ăn mặc của ông giống như tiên tri Ê-li thời xưa (II Vua 1:8). Nhiều người nghĩ rằng ông là một trong những người thuộc cộng đồng Essene trong đồng hoang. Dù trước đây Giăng Báp-tít có thể sống trong cộng đồng Essene, nhưng khi được kêu gọi để làm người tiên phong, chuẩn bị lòng người đón Chúa Cứu Thế, ông đã từ bỏ lối sống biệt lập, trở về với cộng đồng xã hội.
A.Sứ điệp của Giăng Báp-Tít
Giăng Báp-Tít truyền giảng: “Hãy ăn năn, vì nước Thiên Đàng đã đến gần.”
Ăn năn là thái độ và hành động ghi nhận rằng mình có tội, muốn từ bỏ tội lỗi và quay trở về với Đức Chúa Trời, đường lối của Ngài và phục vụ Ngài. Ăn năn là một phần của đức tin thật nơi Con Đức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế Giê-su, sự hy sinh và sống lại của Ngài để cứu mọi kẻ tin.
Nước Thiên Đàng hay Nước Đức Chúa Trời là sự tể trị của Đức Chúa Trời trong lòng người. Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, là hiện thân của Đức Chúa Trời trong thể xác trên đất.Chúa Giê-su đã đến thế gian để khai trương Nước Đức Chúa Trời trên đất. Chúa Giê-su đang ở giữa vòng dân Israel vì thế Ngài đã phán với những người Do Thái, “vì kìa, Nước Đức Chúa Trời ở giữa vòng các ông.” Lu-ca 17:21
Giăng Báp-tít cảnh cáo dân Do Thái rằng “Lưỡi rìu đã đặt kề gốc cây; vì thế bất cứ cây nào không sinh trái tốt sẽ bị chặt và ném vào lửa.” Giăng Báp-tit muốn nói rằng lòng ăn năn thật sẽ đổi mới đời sống và là bước đầu giúp cho người đó trở nên tốt đẹp hơn.
Lời cảnh cáo này có thể hiểu theo hai nghĩa, thứ nhất là sự hình phạt đương thời đối với dân Israel thời ấy. Vì sau đó vài mươi năm, vào năm 70 SCN quân La Mã đã chiếm cứ nước Do Thái, tàn phá thành Giê-ru-sa-lem, thiêu hủy đền thờ và lưu đày toàn dân Do Thái khỏi đất nước của họ. Thứ hai, chắc chắn sẽ có sự phán xét cuối cùng cho những người không ăn năn.
Ngày nay sứ điệp ăn năn này cũng cần được truyền bá giữa vòng mọi người trên thế giới tối tăm, tội lỗi này.
B.Phép Báp-tem của Giăng Báp-Tít
Nhiều người cho rằng phép báp-tem của Giăng là lễ báp-tem của người Essene; nhưng lễ báp-tem của người Essenes chỉ là lễ thanh tẩy. Người Do Thái cũng có lễ báp-tem cho người ngoại quốc khi muốn gia nhập cộng đồng Do Thái. Người Do Thái không thi hành lễ báp-tem gia nhập quốc tịch này cho công dân Do Thái. Giăng Báp-Tít làm lễ Báp-tem cho người Do Thái ăn năn dọn lòng đón nhận Đấng Cứu Thế.
Lễ báp-tem của Giăng Báp-Tít không giống như phép báp-tem nhân danh Chúa Giê-su và không cứu rỗi người ta. Phép báp-tem này chỉ bày tỏ lòng ăn năn và sẵn sàng để đón nhận Chúa Cứu Thế. Sứ Đồ Phao-lô đã gặp một số người nhận lễ Báp-tem của Giăng khi ở Ê-phê-sô; ông đã bảo những người này phải tin Chúa Cứu Thế Giê-su và nhận lễ báp-tem nhân danh Chúa Giê-su để họ trở nên môn đệ của Chúa Cứu Thế và nhận được Đức Thánh Linh, tức là được cứu rỗi.
Phép báp-tem của Giăng chỉ bày tỏ lòng ăn năn, sẵn sàng để tin nhận Chúa Cứu Thế. Phép Báp-tem nhân danh Chúa Giê-su là sự bày tỏ đức tin nơi Ngài và bằng lòng đồng chết và đồng sống lại với Ngài trong đời sống mới trong Chúa. “Anh chị em không biết rằng tất cả chúng ta đã được báp-tem vào trong Chúa Cứu Thế Giê-su là chúng ta được báp-tem vào trong sự chết của Ngài sao? Vậy, qua báp-tem chúng ta được chôn với Ngài vào trong sự chết, cho nên cũng như Chúa Cứu Thế nhờ vinh quang của Cha được từ chết sống lại thì chúng ta cũng có thể sống trong đời sống mới thể ấy.” Rô-ma 6:3-4
Giăng Báp-tít cũng như sau này Chúa Giê-su và Sứ Đồ Phao-lô đều cảnh cáo người Do Thái về một quan niệm sai lầm rằng người Do Thái vì là dòng dõi, huyết thống của Áp-ra-ham, vị anh hùng đức tin, nên họ tự động sẽ được cứu rỗi và trở nên công dân Nước Thiên Đàng.
Tất cả mọi người, kể cả người Do Thái đều phải ăn năn và tin Con Đức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế Giê-su thì mới được cứu rỗi và trở nên con dân Nước Thiên Đàng. Giăng 1:12
Chúa Giê-su đã bảo những người Do Thái âm mưu giết Ngài rằng họ sẽ bị ném ra ngoài hồ lửa, trong khi đó nhiều người từ bốn phương sẽ đến ngồi cùng bàn với các tổ phụ trên thiên đàng.Mat 8:10-12 Phao-lô tuyên bố cùng người Do Thái rằng, “Vì không phải tất cả những người ra từ Y-sơ-ra-ên đều là người Y-sơ-ra-ên; cũng không phải tất cả dòng giống của Áp-ra-ham đều là con của Áp-ra-ham.” Rôma 9:6-7
Ngày nay cũng vậy, không phải tất cả những người con cháu của những tín hữu, mục sư, giáo sĩ đều sẽ tự động là con cái Đức Chúa Trời và sẽ được cứu rỗi, nhưng mỗi người đều phải ăn năn, tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Đấng cứu rỗi và Chủ tể đời sống mình thì mới được cứu rỗi và trở nên con dân Nước Thiên Đàng. Kinh Thánh không có chỗ nào dạy về vấn đề “đạo dòng”; đây chỉ là một quan niệm và niềm tự hào sai lầm.
Giăng Báp-Tít cũng công bố cho dân chúng biết rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến; Ngài là Đấng vĩ đại và cao trọng hơn ông. Đấng Cứu Thế sẽ làm phép báp-tem cho những người ăn năn và tin Ngài bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.
Kinh Thánh mô tả việc nhận lễ báp-tem bằng Đức Thánh Linh như là tiếp nhận Đức Thánh Linh vào đời sống và được kết hiệp vào thân thể của Chúa Cứu Thế. “Vì trong cùng một Thánh Linh mà chúng ta chịu phép báp-tem để sát nhập vào một thân thể, người Do Thái cũng như Hy Lạp, kẻ nô lệ cũng như tự do, tất cả chúng ta đều được uống cùng một Thánh Linh.” 1Côr 12:13
Chúa Cứu Thế Giê-su sẽ là Đấng phán xét vào ngày cuối cùng.
Ngày phán xét được ví như mùa gặt. Chúa sẽ thâu lúa vào kho. Lúa là biểu tượng của những người được cứu rỗi. Và trấu cùng với cỏ dại là biểu tượng của những người không được cứu rỗi.
Những kẻ không ăn năn và vô tín sẽ bị ném vào hồ lửa, vực sâu. Khải 20:11-15; 22:12-13
II.Chúa Giê-su vâng lời Chúa như là Con Người
Đức Giê-su từ Ga-li-lê đi xuống vùng Giu-đê để nhận lễ báp-tem từ Giăng Báp-tít. Nhưng Giăng nhận thức được rằng Đức Giê-su là Đấng thánh, không cần ăn năn. Vào lúc này Giăng Báp-Tít chưa biết Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a, nhưng ông có thể biết nhiều về Ngài vì Ma-ri có họ hàng với Êli-sa-bét, mẹ của Giăng Báp-tít.
Câu hỏi được đặt ra là nếu Chúa Giê-su không có tội, không cần ăn năn; tại sao Ngài bảo Giăng hãy cứ làm phép báp-tem cho Ngài. “để chúng ta làm trọn mọi quy lệ công chính, vì như thế là hợp lẽ.” Chúa Giê-su dù không có tội nhưng Ngài muốn đồng hóa mình với nhân loại tội lỗi và muốn vâng phục Chúa đại diện cho nhân loại chịu lễ báp-tem và sau này Ngài sẽ chết thế cho họ.
Khi Chúa Giê-su nhận lễ báp-tem xong; Ngài bước lên khỏi nước; Ngài thấy có Đức Thánh Linh giáng xuống như chim bồ câu đậu trên Ngài. Đây không phải là lúc Chúa Giê-su mới nhận lãnh Đức Thánh Linh vì cả Ma-thi-ơ lẫn Lu-ca đều ghi rõ Chúa Giê-su đã được hoài thai bởi Đức Thánh Linh hay nói một cách khác Đức Thánh Linh đã ở với Ngài từ khi còn là thai nhi. Đức Thánh Linh giáng xuống và đậu trên Ngài như chim bồ câu là một biểu hiệu xác nhận rằng Chúa Giê-su chính là Con Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Thế của nhân loại.
Một dấu hiệu khác là có tiếng nói từ trên trời phán rằng, “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.” Đức Chúa Cha xác nhận rằng Chúa Giê-su chính là Con yêu dấu của Ngài và Chúa Giê-su đã vâng phục Đức Chúa Cha nên được Ngài hoàn toàn đẹp lòng.
Những điều xảy ra tại lễ báp-tem của Chúa Giê-su cho chúng ta thấy một điều huyền nhiệm, Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều hiện diện trong biến cố này. Đức Chúa Giê-su, tức là Đức Chúa Con chịu lễ báp-tem, Đức Chúa Cha xác nhận, “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn” và Đức Thánh Linh giáng xuống trên Ngài.
Áp dụng
1/ Xin Chúa giúp chúng ta vâng lời Chúa như Giăng Báp-Tít và Chúa Giê-su đã vâng lời.
2/ Ngày nay chúng ta là con dân Chúa, chúng ta hãy cố gắng đem người vào Nước Đức Chúa Trời để đón Chúa Giê-su tái lâm.
3/ Hãy là đầy tớ trung tín của Chúa để được khen ngợi vào ngày phán xét. Mat 25:21
Câu hỏi thảo luận
1/ Sứ mệnh của Giăng Báp-tít là gì?
2/ Phép Báp-tem của Giăng có mục đích gì?
3/ Phép Báp-tem của Giăng Báp-Tít khác với phép Báp-tem nhân danh Chúa Giê-su ở chỗ nào?
4/ Giăng Báp-Tít nêu cho chúng ta những gương tốt nào?
5/ Ngày nay tín hữu của Chúa Giê-su có thể làm gì để noi gương Giăng Báp-Tít trong khi chờ đợi Chúa Giê-su tái lâm?