Bài 28 – Giọng Miền Nam
Bài 28 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Người ta có thể rất sùng đạo nhưng không thật lòng kính sợ Chúa. Người ta có thể theo nhiều nghi lễ tôn giáo nhưng không có tấm lòng thờ phượng Chúa. Điều nguy hiểm hơn nữa là người ta hăng hái làm theo những luật lệ tôn giáo do con người đặt ra nhưng vẫn tưởng là làm theo Lời Chúa.
I.Mục đích đúng của luật ngày Sa-bát
Điều Răn thứ Tư : “Phải nhớ ngày Sa-bát và giữ làm ngày thánh…nhưng ngày Sa-bát là ngày dành cho CHÚA, Đức Chúa Trời của các ngươi…” Xuất 20:8-11
Mục đích tốt đẹp của ngày Sa-bát là giúp cho con dân Chúa được nghỉ ngơi phần thể xác và để thì giờ tương thông, thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng những người lãnh đạo Do Thái giáo đặt thêm nhiều luật lệ để giữ ngày Sa-bát và chính những luật lệ này vừa trái với mục đích và tinh thần Ngày Sa-bát, vừa làm gánh nặng cho người tuân theo. Người Pha-ri-si đã lập nên 39 quy luật để cấm người ta làm trong ngày Sa-bát.
Chúa Giê-su và các môn đệ đi ngang qua một đồng lúa vào ngày Sa-bát; các môn đệ Chúa đói nên ngắt bông lúa ăn. Người Pha-ri-si cho rằng hành động này là vi phạm quy luật ngày Sa-bát.
Theo người Pha-ri-si, ngắt bông lúa là gặt lúa; vò bông lúa để lấy hạt lúa là đập lúa và thổi vỏ lúa tức là sàng sẩy lúa; cả ba hành động này đều bị coi như làm việc đồng áng trong ngày Sa-bát.
Chúa Giê-su đã trích dẫn hai trường hợp đã xảy ra nhưng Kinh Thánh không hề lên án để cho thấy rằng sự diễn giải của người Ph-ri-si là sai lầm.
1/ Đa-vít và những người theo ông bị đói và được thầy tế lễ cho bánh trần thiết dâng trên bàn thờ Chúa để ăn cho đỡ đói nhưng không mắc tội. 1Sam 21:1-6
Điều Răn về ngày Sa-bát và những Điều Răn khác được ban ra là để giúp đỡ cho nhu cầu nghỉ ngơi của con người chứ không phải đặt thêm gánh nặng cho con người hay làm hại con người.
2/ Trong ngày Sa-bát thầy tế lễ vẫn dâng các tế lễ cho Chúa; vẫn cắt bì cho trẻ em sơ sinh nhưng không vi phạm luật ngày Sa-bát.
Đức Chúa Trời lập ra ngày Sa-bát là vì tình yêu thương và muốn con dân Chúa có một đời sống sung mãn.
Chúa Giê-su cũng xác nhận rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời có thẩm quyền và dạy dỗ đúng với tinh thần Điều Răn. Công việc của Con Đức Chúa Trời là quan trọng hơn những quy luật để giữ điều răn ngày Sa-bát.
Điều Răn của Đức Chúa Trời đặt ra chủ yếu là để xây dựng tình yêu thương Chúa và yêu thương lẫn nhau. Một người có thể dâng tế lễ và làm theo nhiều nghi lễ tôn giáo, đạo đức nhưng thiếu tình yêu thương thì mọi việc đều vô giá trị; Chúa thấy và biết tấm lòng của con người.
Khi tuyên bố “Vì Con Người là Chúa của ngày Sa-bát.” Chúa Giê-su xác nhận rằng Ngài là Con Người, là Đấng Mê-si-a và Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và là Đấng thiết lập luật Sa-bát. Vì là Đấng thiết lập ngày Sa-bát, Con Đức Chúa Trời mới hiểu đúng và làm đúng tinh thần ngày Sa-bát.
II.Người ta được phép làm lành trong ngày Sa-bát
Đức Chúa Trời lập nên luật ngày Sa-bát để giúp cho con người có một đời sống sung mãn, mạnh khỏe về cả thể xác lẫn tinh thần. Những người Pha-ri-si đặt thêm luật lệ làm cho đời sống trở nên nặng nề hơn. Trong trường hợp của người bị liệt bàn tay trong hội đường thì những quy luật của người Pha-ri-si ngăn cản việc chữa lành cho người bệnh, tức là làm hại cho người bệnh và như thế là trái với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nêu lên trường hợp một con chiên (cừu) bị rớt xuống hố trong ngày Sa-bát thì người ta có kéo nó lên không? Dĩ nhiên là người chủ sẽ kéo con chiên lên khỏi hố. Loài người còn quý giá hơn con chiên biết bao! Vì thế Chúa Giê-su phán cùng người bệnh, “Hãy đưa tay ra.” Thì tay liệt được lành như tay kia. Chúng ta thấy ở đây Chúa Giê-su không làm gì cả; Ngài chỉ phán một lời thì bệnh được lành.
Ma-thi-ơ ghi chép phản ứng của những người Pha-ri-si; họ đi ra bàn mưu giết Chúa Giê-su. Người ta có thể rất sùng đạo và nghiêm túc thi hành mọi nghi lễ bên ngoài nhưng tấm lòng thì gian ác và đầy thù hận.
Chúa Giê-su biết rõ âm mưu này nên Ngài lánh đi nơi khác. Đến lúc này sự chống đối của những người Pha-ri-si và giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái ngày càng rõ rệt và công khai. Vì thế dù Chúa Giê-su vẫn thi hành phép lạ, cứu giúp những người bệnh tật, khốn khổ nhưng Ngài không muốn thu hút đám đông dân chúng theo Ngài vì như thế giới chính quyền Do Thái cũng như La Mã sẽ có lý do vu cáo Ngài cổ động dân chúng phản loạn.
III.Chân lý cứu rỗi của Chúa Giê-su đắc thắng và được truyền bá cho các dân tộc ngoại quốc
Ma-thi-ơ đã trích dẫn tiên tri I-sa để minh chứng rằng tất cả những điều Chúa Giê-su làm đều đã được Kinh Thánh tiên báo và đang được ứng nghiệm. Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a của Đức Chúa Trời; mọi điều Ngài làm đều đẹp ý Đức Chúa Cha. Chúa Cứu Thế đã hành động trong quyền năng của Đức Thánh Linh và Ngài sẽ công bố chân lý cứu rỗi cho dân ngoại quốc. Qua hành động đầy quyền năng và lời giảng dạy chân chính, Chúa Giê-su chứng tỏ rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế của dân Chúa lẫn dân ngoại quốc. Tuy nhiên Chúa Giê-su đã không công khai tranh luận hay phản đối, bài bác giới lãnh đạo Do Thái giáo thời ấy.
Lời tiên tri “Ngài sẽ không bẻ cây sậy sắp gãy,
Cũng không dập tắt ngọn đèn gần tàn,”
chỉ về những ngày cuối sắp tàn của giới lãnh đạo Do Thái giáo và đền thờ Đức Chúa Trời với ngọn đèn luôn luôn thắp sáng tại Giê-ru-sa-lem sắp bị quân La Mã hủy phá (Năm 70 SCN). Dù hệ thống tôn giáo Do Thái và đền thờ bị hủy phá nhưng Phúc Âm cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su sẽ đắc thắng. Nhiều ngàn người tại Giê-ru-sa-lem đã tin nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế của mình ngay trong ngày đầu tiên thành lập hội thánh Chúa. Công Vụ 2:1-47 Và Đạo Chúa từ đó đã được truyền bá từ Giê-ru-sa-lem ra khắp thế giới.
Áp dụng
1/ Hãy tin Chúa và sống đạo bằng tấm lòng và tình yêu thương hơn là nghi thức bên ngoài.
2/ Hãy học hỏi Lời Chúa và xin Đức Thánh Linh soi sáng cho bạn để hiểu đúng Lời Chúa. Hiểu sai Lời Chúa sẽ hành động sai.
3/ Ngày nay Chúa muốn chúng ta thờ phượng Chúa bằng cách nào? Giăng 4:23
4/ Mục đích của luật Sa-bát (Xuất 20:8-11) là gì?
5/ Chúa Giê-su đã “không bẻ cây sậy sắp gãy; cũng không dập tắt ngọn đèn gần tàn” nói lên đức tính gì nơi Ngài?
Câu hỏi thảo luận
1/ Tại sao người Pha-ri-si đặt thêm các luật lệ để giữ ngày Sa-bát chứng tỏ rằng họ đã hiểu sai mục đích của luật nghỉ ngày Sa-bát?
2/ Tại sao chúng ta phải học hỏi Lời Chúa để hiểu đúng Lời Chúa?
3/ Mục đích của những Điều Răn là gì?
4/ Khi tuyên bố “Con Người là Chúa của ngày Sa-bát” Chúa Giê-su muốn nói lên điều gì?
5/ Ngày nay khi chúng ta truyền giảng Tin Lành và bị chống đối, chúng ta nên làm gì như Chúa Giê-su đã làm?