Bài 20 – Giọng Miền Nam
Bài 20 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Trên thế giới có nhiều tôn giáo và truyền thống khác nhau với những nghi lễ, giáo luật khác nhau để thi hành những gì họ tin tưởng. Chúa Giê-su đã đến thế gian như một con người đặc thù. Trong chương này Ma-thi-ơ cho chúng ta thấy đường lối của Chúa Giê-su cũng vô cùng đặc biệt, khác hẳn với đường lối của những người theo Do Thái giáo thời ấy.
I.Chúa Cứu Thế đến thế gian để cứu người tội lỗi
Ma-thi-ơ kể lại thế nào ông đã được Chúa Giê-su kêu gọi để làm môn đệ Ngài. Đây là một điều mới lạ đối với xã hội và văn hóa Do Thái thời bấy giờ.
Ma-thi-ơ vốn là một nhân viên thu thuế cho chính quyền La Mã đang đô hộ dân Do Thái.
Người thu thuế cho chính quyền La Mã bị coi như người phản quốc vì đã thông đồng với đế quốc La Mã bóc lột dân chúng. Dưới sự đô hộ của đế quốc La Mã người dân phải đóng nhiều thứ thuế, thuế nông sản, thuế lợi tức, thuế thân, thuế xuất nhập cảng, thuế sử dụng đường lộ giao thông, hải cảng v.v… Chính quyền La Mã thường cho những người thu thuế đấu thầu để nộp cho chính quyền một số tiền thuế nhất định hàng năm. Người thu thuế thường tìm đủ mọi cách để thu nhiều hơn số tiền thuế họ phải nộp cho chính quyền và đây là cách làm giàu hợp pháp!
Người thu thuế thường tham lam, hay bóc lột và gian dối để làm giàu nên bị coi là người tội lỗi.
Người thu thuế phải liên hệ, tiếp xúc với người ngoại thường xuyên nên bị coi là ô uế. Người Pha-ri-si, các giáo sư Kinh Luật và những người Do Thái sùng đạo thường tránh xa và không tiếp xúc với những người thu thuế.
Chúa Giê-su được người ta coi như một giáo sư (Ra-bi) Do Thái giáo và người ta giả định rằng Ngài cũng phải theo những truyền thống của người Do Thái lúc bấy giờ. Nhưng Ma-thi-ơ ghi lại trường hợp của chính mình để cho thấy rằng Chúa Giê-su là một vị giáo sư đặc thù, khác hẳn với những vị giáo sư Do Thái giáo đương thời.
A.Chúa Giê-su kêu gọi một người tội lỗi để làm môn đệ Ngài.
Vào thời ấy những vị thầy thường chọn một số học trò theo mình để học tập. Chúa Giê-su là một vị thầy về tôn giáo, như thế Ngài phải chọn những người đạo đức tốt làm môn đồ. Nhưng Chúa Giê-su lại làm điều có vẻ trái ngược với thông lệ; Ngài kêu gọi Ma-thi-ơ cũng có tên là Lê-vi, một người thu thuế đang làm việc tại trạm thu thuế. Đây là người bị những người được coi là đạo đức trong xã hội thời bấy giờ từ khước, khinh miệt, nhưng Chúa Giê-su lại kêu gọi người đi theo làm môn đồ mình. Mác và Lu-ca cũng ghi lại câu chuyện này và ghi thêm một số chi tiết. Ma-thi-ơ khi được Chúa kêu gọi liền bỏ hết mọi sự, đi theo Ngài. Ma-thi-ơ cũng mở một tiệc lớn đãi Ngài và các môn đệ Chúa. Ma-thi-ơ cũng mời nhiều người thu thuế và những người ông thường tiếp xúc, tức là những người bị người Do Thái sùng đạo coi là ô uế, tội lỗi đến dự tiệc với Chúa vì ông biết rằng Chúa Giê-su sẽ không từ khước họ.
B.Chúa Giê-su đến thế gian để kêu gọi và cứu rỗi người có tội
Những người Pha-ri-si, là người tuân giữ rất nghiêm túc những luật lệ Do Thái giáo, thấy như thế nên họ liền phê phán Chúa Giê-su và các môn đệ Ngài. Đối với họ, giao thiệp, tiếp xúc với người thu thuế, tội lỗi sẽ bị lây ô uế, tội lỗi. Đây là thái độ kiêu ngạo, đạo đức giả. Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước đều xác nhận rằng “ Vì mọi người đều đã phạm tội.” Rôm 3:23
Chúa Giê-su phán: “người lành mạnh không cần bác sĩ, chỉ có người bệnh mới cần.” và Chúa trích dẫn câu Kinh Thánh Cựu Ước “Ta chuộng lòng thương xót hơn vật tế lễ.” (và sự hiểu biết Đức Chúa Trời thay vì tế lễ toàn thiêu.) Ô-sê 6:6 Từ ngữ “lành mạnh và người bệnh” để chỉ người công chính và người tội lỗi. Người Pha-ri-si cho rằng họ là người công chính và hiểu biết Đức Chúa Trời nhưng Chúa Giê-su cho thấy họ là người tội lỗi và không hiểu biết Đức Chúa Trời. Kinh Thánh xác nhận Đức Chúa Trời đầy lòng yêu thương (Thi 86:15; 1Giăng 4:8) và người công chính là người có lòng yêu thương. Người Pha-ri-si tự cho mình là công chính nhưng không có lòng yêu thương đối với những người tội lỗi, như thế họ thiếu tình yêu thương và đây chính là bằng chứng cho thấy rằng họ cũng là những người tội lỗi.
Chúa Giê-su tuyên bố rằng Ngài đến thế gian để kêu gọi người tội lỗi ăn năn và trở về với Đức Chúa Trời bằng cách tin cậy Ngài và đi theo đường lối Ngài. Qua lời tuyên bố này Chúa muốn nói rằng Ngài là Đấng công chính đầy tình yêu thương đã đến thế gian để kêu gọi và cứu rỗi con người tội lỗi.
Người thu thuế và tôi lỗi có thể bị những người kiêu ngạo và đạo đức giả từ khước nhưng họ sẽ được Chúa Cứu Thế yêu thương và tiếp nhận khi họ đáp ứng lời kêu gọi của Ngài.
II.Chúa Cứu Thế Giê-su là con đường mới
Giăng Báp-tít là người tiền phong của Chúa Cứu Thế. Giăng Báp-tít được dân chúng tôn trọng như một vị tiên tri và ông cũng có nhiều môn đồ theo mình. Lúc ấy các môn đồ của Giăng Báp-tít đến hỏi Chúa Giê-su: “Tại sao chúng tôi và người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn đệ của thầy không kiêng ăn.”
Kinh Thánh cho biết “kiêng ăn” là hành động tự nguyện không ăn, uống trong một thời gian để hạ mình, ăn năn, thống hối như trong ngày lễ Xá Tội (Lê-vi 16:29,31) hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn hay giúp đỡ từ Chúa. Theo Kinh Thánh người Do Thái phải kiêng ăn một ngày trong năm, đó là ngày lễ Xá Tội. Sau thời lưu đày người Do Thái lập nên nhiều ngày kiêng ăn khác. Người Pha-ri-si trong thời Tân Ước có truyền thống kiêng ăn ngày thứ Hai và thứ Năm trong tuần.
“Lúc ấy” có thể chỉ về lúc các môn đệ và Chúa Giê-su đang ăn tiệc trong nhà Ma-thi-ơ. Các môn đệ của Giăng Báp-tít hỏi như thế để ám chỉ rằng Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài thiếu kỷ luật trong đời sống đạo đức tâm linh theo truyền thống đương thời. Chúa Giê-su không phủ nhận hành động kiêng ăn nhưng Ngài cho thấy đang khi Chúa Cứu Thế (Chàng Rể) còn ở với môn đồ của mình thì môn đồ nên hân hoan vui mừng cùng phục vụ Chúa. Khi Chúa Cứu Thế trở về trời, các môn đệ Ngài sẽ kiêng ăn như bình thường nếu cần.
Chúa Giê-su dùng hai ngụ ngôn để chỉ về đường lối hành đạo của Ngài. Đây là con đường mới, khác với truyền thống mà người Do Thái đang thi hành.
Ngụ ngôn vá áo.
Áo bị rách thường là áo cũ, vải đã co rút vì bị giặt nhiều lần. Ngoài ra những đường may, mối chỉ trên áo cũng đã sờn nên dễ đứt. Vải mới thường chắc chắn, màu sắc đẹp nhưng sẽ co rút lại khi bị giặt. Vì thế nếu dùng vải mới để vá lên một chiếc áo cũ; khi đem giặt và phơi ra nắng, miếng vải mới sẽ co rút làm rách áo và chỗ rách sẽ lớn hơn. Như thế vải mới tự nó là vải tốt đẹp, nhưng nếu đem vải mới vá lên chỗ rách của áo cũ sẽ làm cho áo cũ rách lớn hơn và chiếc áo sẽ hư hỏng nhiều hơn.
Ngụ ngôn rượu mới bầu da mới.
Rượu mới là rượu vẫn còn lên men và vì thế làm cho dung tích rượu gia tăng. Bầu da là chiếc bình làm bằng da thú vật phơi khô, thường là da dê. Bầu da cũ có đường may cũng đã cũ mòn, dễ đứt cho nên bầu da rất dễ bị nứt. Khi một người đổ rượu mới còn lên men đầy một bầu da cũ; rượu tiếp tục lên men và làm gia tăng dung tích rượu trong bầu. Bầu da cũ không còn sức đàn hồi và không thể căng ra thêm nữa nên sẽ nứt, như thế rượu sẽ chảy ra ngoài hết. Bầu da mới còn sức đàn hồi nên dù dung tích rượu có tăng lên, bầu da vẫn có thể căng lớn thêm nữa mà không nứt.
Chúa Giê-su tuyên bố rằng, “Ta là con đường, chân lý và sự sống, chẳng bởi Ta thì không ai đến cùng Cha được.” Giăng 14:6 Đường lối của Chúa và đường lối của phàm nhân, thế tục không thể hòa lẫn. Đạo của Chúa Cứu Thế hoàn toàn mới lạ so với truyền thống tôn giáo của người Do Thái. Chúa Cứu Thế Giê-su là con đường duy nhất để đến với Đức Chúa Trời. Đây là chân lý vĩnh cửu và bất biến. Sứ Đồ Phê-rơ đã tin tưởng và xác chứng điều này, “Không có sự cứu rỗi trong một ai khác cả, vì dưới trời không có một danh nào khác được ban cho loài người để chúng ta phải nhờ danh ấy mà được cứu.” Công Vụ 4:12
Ngày nay người ta thường cho rằng đạo nào cũng tốt và đường nào rồi cũng đến La Mã! Chúng ta công nhận rằng đạo nào cũng răn dạy người ta ăn hiền ở lành, làm việc phúc đức, tốt đẹp. Nhưng sự thật lịch sử cho thấy không có một thánh nhân, giáo chủ nào đã bằng lòng hy sinh chịu chết thay cho con người tội lỗi. Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng vô tội, thánh thiện duy nhất đã hy sinh chịu chết thay cho tội lỗi nhân loại. Sau khi chết ba ngày, Ngài đã sống lại để tuyên xưng công chính và ban sự sống đời đời cho người tin cậy Ngài. Vì thế đạo cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-su là con đường duy nhất biến tội nhân thành thánh nhân và đưa tội nhân vào Nước Thiên Đàng.
Áp dụng
1/ Bạn có tin rằng mình là người có tội không? Hãy theo gương Ma-thi-ơ tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Đấng cứu rỗi và Chủ tể đời sống mình, bạn sẽ được cứu rỗi.
2/ Khi được Chúa kêu gọi, Ma-thi-ơ đã lập tức đi theo Chúa. Chúa đã chọn và cứu rỗi bạn. Ngài cũng có thể kêu gọi bạn để làm một công việc hay sứ mệnh nào đó. Bạn có bằng lòng đi theo tiếng gọi của Chúa ngay không?
3/ Ma-thi-ơ sau khi tin Chúa, ông cũng đã mời bạn bè, quyến thuộc đến với Chúa Giê-su. Hãy mạnh dạn giới thiệu, đem người khác đến với Chúa Giê-su. Ngài cũng yêu thương và muốn cứu rỗi họ.
4/ Bạn có thể là người tin rằng có Trời và có thể bạn cũng thờ Trời nữa như những người Do Thái đương thời. Tuy nhiên Chúa Giê-su khẳng định rằng Ngài là con đường duy nhất đưa tội nhân đến với Đức Chúa Cha; trên thế giới này không có con đường nào khác.
5/ Con đường cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su không phải là một tôn giáo mới tương tự như những tôn giáo khác trên thế gian. Sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-su là mối quan hệ giữa tấm lòng của bạn với tấm lòng của Chúa qua đức tin.
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Tại sao những người thu thuế bị coi là người tội lỗi?
2/ Chúa Giê-su có khuyên những người tin nhận Ngài nên cắt đứt mọi liên hệ với những người khác không? Tại sao?
3/ Mục đích của Chúa Giê-su khi đến thế gian để làm gì?
4/ Tại sao đường lối của Chúa Giê-su không thể hòa hợp với đường lối của thế gian?
5/ Giải thích lý do tại sao Chúa Giê-su là con đường duy nhất đưa nhân loại đến Thiên Đàng?