Bài 52 – Giọng Miền Nam
Bài 52 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Đền thờ tại Giê-ru-sa-lem là trung tâm thờ phượng chính và quan trọng nhất của người Do Thái. Đền thờ thứ nhất do vua Sa-lô-môn (con vua Đa-vít) xây nhưng đã bị phá hủy. Đền thờ mà Chúa Giê-su dẹp sạch là đền thờ thứ hai do dân Do Thái hồi hương dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên trở về xây cất (Ê-xơ-ra 6:16) và sau này được vua Hê-rốt tu bổ.
I.Đền thờ là nhà cầu nguyện
Sau khi cưỡi lừa vào Giê-ru-sa-lem Chúa Giê-su đã đuổi những người đổi tiền và buôn bán thú vật sinh tế ra khỏi khuông viên đền thờ. Đây là lần thứ hai Chúa Giê-su dẹp sạch đền thờ; lần thứ nhất được Giăng ghi chép trong Phúc Âm Giăng 2:13-22.
Đức Chúa Trời gọi đền thờ Ngài là “nhà cầu nguyện”. Trong lễ cung hiến đền thờ đầu tiên vua Sa-lô-môn đã cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, “Xin Ngài lắng nghe lời cầu xin của tôi tớ Ngài và của con dân Ngài mỗi khi họ hướng về nơi này mà cầu nguyện.” IVua 8:30
Đền thờ là nơi người ta dâng sinh tế và tế lễ cho Chúa. Thông thường người ta có thể đem theo các sinh vật để dâng tế cho Chúa. Nhưng đối với những người ở xa đền thờ và nhất là những người ở ngoại quốc thì điều này trở nên bất tiện. Ngoài ra những vật sinh tế phải được thầy tế lễ chứng nhận là không tì vết thì mới hợp lệ. Vì thế bán các sinh vật đã được chứng nhận hợp lệ ngay tại chợ trong thành Giê-ru-sa-lem là một điều hợp lý để giúp đỡ khách hành hương. Nhưng những người buôn bán vật sinh tế đã lợi dụng điều này để thủ lợi. Trước hết, những sinh vật đã được thầy tế lễ chứng nhận đều được bán với giá rất cao. Khách hành hương không có cách nào khác nên phải mua các vật sinh tế đã bị các con buôn nâng giá rất cao kia. Không những thế, các con buôn đã thương lượng với thầy tế lễ quản trị đền thờ để bán các vật sinh tế ngay trong khuông viên dành cho người ngoại trong đền thờ.
Theo luật pháp Do Thái mỗi người phải đóng thuế đền thờ (1/2 Shê-ken) bằng đồng tiền do đền thờ phát hành; vì thế khách hành hương phải đổi tiền địa phương ra đồng tiền do đền thờ tại Giê-ru-sa-lem phát hành để nộp thuế đền thờ. Dĩ nhiên những người đổi tiền sẽ lấy lệ phí rất cao. Nếu việc đổi tiền xảy ra tại các cửa hàng trong thành Giê-ru-sa-lem thì không có gì sai lầm. Nhưng cũng như những người buôn bán thú vật, người ta đã thương lượng với các thầy tế lễ để đổi tiền lấy lời ngay trong khuông viên người ngoại trong đền thờ.
Đền thờ là nơi tôn nghiêm, thánh khiết biệt riêng ra để thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng các thầy tế lễ thời ấy đã thỏa hiệp, thông đồng với những người buôn bán vật sinh tế và đổi tiền để cho phép họp chợ ngay trong khuông viên đền thờ. Theo một sử gia Do Thái vào thời đó, mỗi năm vào ngày lễ Vượt Qua, hàng trăm ngàn người từ khắp nơi trong nước và hải ngoại đến Giê-ru-sa-lem hành hương và dâng tế lễ tại đền thờ Đức Chúa Trời. Vì thế vào ngày lễ Vượt Qua, đền thờ Đức Chúa Trời thay vì là nơi tôn nghiêm, thánh khiết đã trở nên một khu buôn bán ồn ào, náo nhiệt và đương nhiên nhiều hành động gian dối, lường gạt và tội ác cũng xảy ra ngay trong khuông viên đền thờ.
Đức Chúa Giê-su dẹp sạch đền thờ là hành động biểu tượng cho thấy Do Thái giáo đã băng hoại; nơi thánh khiết nhất nay đã trở thành “sào huyệt trộm cướp”.
Ngày nay tình trạng tôn giáo cũng không hơn gì thời bấy giờ. Nhiều người lãnh đạo tôn giáo ở Tây Phương đã thỏa hiệp với những quan điểm thế tục, vô luân và nhiều người đã lợi dụng danh nghĩa Đạo Chúa để lừa gạt, thủ lợi…Người ta đã thay thế đời sống tâm linh thánh thiện, Phúc Âm yêu thương bằng sự thịnh vượng vật chất.
Tệ hại hơn nữa một số chức sắc tôn giáo đã bị coi là những người kinh doanh tôn giáo!
II.Đạo của Chúa Cứu Thế là đạo yêu thương
Giới lãnh đạo Do Thái giáo không cho phép những người tật nguyền dâng tế lễ trong đền thờ dựa theo II Sa-mu-ên 5:8 nhưng Ma-thi-ơ ghi chép: “Có những người mù và què đến với Ngài trong đền thờ và Ngài chữa lành cho họ.” Điều này cho thấy Đạo của Chúa Cứu Thế Giê-su hoàn toàn khác với Do Thái giáo đang thực hành lúc bấy giờ.
1/ Chúa dạy chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm linh và lẽ thật. Giăng 4:23
2/ Đền thờ Đức Chúa Trời là nơi thờ phượng và cầu nguyện cùng Chúa; không nên thương mại hóa sự thờ phượng.
3/ Đền thờ Đức Chúa Trời cần phải giữ tôn nghiêm và thánh khiết.
4/ Đức Chúa Trời và Con Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng yêu thương; theo chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Chúa muốn cứu rỗi con người toàn diện, cả phần tâm linh lẫn thể xác. Tuy nhiên trong thời đại hiện tại sự cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-su chủ yếu chú trọng đến phần tâm linh. Giăng 1:12,13 Đức Chúa Giê-su cũng chữa lành một số người nhưng không phải tất cả mọi người bệnh tật. Trong thời đại hiện tại Chúa dạy “Có ai trong anh chị em yếu đau, hãy mời các trưởng lão của hội thánh đến, để họ nhân danh Chúa xức dầu rồi cầu nguyện cho mình. Lời cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu chữa người bệnh; Chúa sẽ đỡ người ấy dậy. Nếu người bệnh phạm tội cũng sẽ được tha.” Gia-cơ 5:14-15 Khi Chúa Cứu Thế tái lâm, thể xác của tất cả những người được cứu sẽ được phục hồi và kết hiệp với linh hồn trong sự cứu rỗi toàn vẹn và vĩnh cửu. I Cô-rinh-tô 15:51
III.Phản ứng của giới lãnh đạo Do Thái giáo
Những người lãnh đạo Do Thái giáo thấy Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem và được dân chúng tung hô, hoan nghênh y như lời Kinh Thánh đã tiên báo nhưng họ không hiểu vì họ không tin rằng Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a Đức Chúa Trời đã hứa.
Các thầy tế lễ tức giận khi Chúa Giê-su dẹp sạch đền thờ vì như thế họ bị mất đi nhiều lợi lộc. Những người này đã biến đạo Chúa, một vấn đề tâm linh thành thương mại, vật chất nhưng họ không thấy đó là sai lầm. Tội lỗi và vô tín đã làm người ta mù quáng. Những người lãnh đạo Do Thái tức giận vì không tin rằng Chúa Giê-su đang làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh khi được dân chúng và trẻ con tung hô, “Hô-sa-na, Con Vua Đa-vít.” Nhưng Chúa Giê-su xác nhận rằng lời Kinh Thánh đã đượcc ứng nghiệm nơi Ngài khi trẻ con reo hò trong đền thờ “Hô-sa-na, Con Vua Đa-vít.” Thi 8:2
Áp dụng
1/Bạn có thì giờ tĩnh nguyện (đọc Kinh Thánh – cầu nguyện) với Chúa mỗi ngày không?
Nếu chưa biết tĩnh nguyện, đăng ký học để biết tĩnh nguyện với Chúa.
2/ Bạn hãy tham gia cầu nguyện với hội thánh hay một nhóm nhỏ hàng tuần.
3/ Hãy tham gia thờ phượng Chúa tại nhà thờ mỗi Chúa Nhật.
4/ Chúa dạy chúng ta làm gì khi bị đau yếu? Gia-cơ 5:14-16
5/ Bạn tin Chúa Giê-su là ai?
Hãy hòa lòng cùng con dân Chúa để tôn vinh, ca ngợi Chúa trong tất cả mọi hoàn cảnh.
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Chúa gọi đền thờ là nơi để làm gì? Bạn có thể gọi nhà thờ của mình là nhà cầu nguyện với Chúa không? Tại sao?
2/ Chúng ta nên quan tâm đến vấn đề tài chánh, kinh tế hay vấn đề tâm linh trước? Ma-thi-ơ 6:33
3/ Tại sao Chúa Giê-su không cho buôn bán trong khuông viên đền thờ?
4/ Tại sao các thầy tế lễ và giáo sư Kinh Luật tức giận vì Chúa dẹp sạch đền thờ?
5/ Chúa Giê-su chữa lành cho những người đau yếu, bệnh tật trong đền thờ chứng tỏ điều gì về đạo Chúa?