Bài 38 – Giọng Miền Nam
Bài 38 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Thành Ty-rơ và Si-đôn là hai thành ở phía bắc bờ biển Địa Trung Hải và thuộc lãnh thổ ngoại quốc (Lebanon ngày nay).
Phụ nữ Ca-na-an là người bản địa mà từ thời xuất hành ra khỏi Ai-cập Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho dân Israel sẽ hủy diệt khi họ vào đất hứa.(Phục 7:1-6)
Ma-thi-ơ ghi lại biến cố hóa bánh cho đám đông dân chúng lần thứ hai ở trong vùng của người ngoại. Mác cho biết Chúa Giê-su vào vùng Mười Thành (Decapolis) thuộc tỉnh Syria. Ngoài ra Ma-thi-ơ ghi nhận đám dân đông đảo này là người ngoại nên họ “tôn vinh Đức chúa Trời của Israel”. Chúa Giê-su đã ra ngoại quốc và Ngài đang ở trong vùng mà đa số là dân ngoại đang sinh sống.
I.Chúa khen đức tin của người phụ nữ Ca-na-an
Ma-thi-ơ là Phúc Âm đậm màu sắc Do Thái nhưng ông không quên ghi nhận rằng Chúa Giê-su đã đi ra vùng người ngoại và thi hành chức vụ cho người ngoại quốc. Thật ra Phúc Âm Ma-thi-ơ kết thúc bằng Đại Mạng Lệnh Chúa truyền cho môn đệ Ngài phải “đi môn đệ hóa muôn dân cho Ngài”. Mat 28:18-20
Người phụ nữ Ca-na-an đã sử dụng những danh hiệu của Đấng Mê-si-a để kêu xin Chúa Giê-su. Chúa Giê-su xác nhận với các môn đệ Ngài rằng chính Ngài là “Chúa”. (Lu-ca 6:46)Thật ra danh hiệu “Chúa” cũng đã được bản dịch Hy Lạp dùng để chỉ Đức Gia-vê (Giê-hô-va) trong Kinh Thánh Cựu Ước. Danh hiệu “Con Vua Đa-vít” là một danh hiệu phổ thông khác của Đấng Mê-si-a. Khi kêu cầu Chúa Giê-su bằng những danh hiệu này người phụ nữ Ca-na-an chứng tỏ rằng bà đã tin Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a của người Israel. Dù người đàn bà ngoại quốc này đã tin Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, Đấng có quyền năng để giải cứu con gái mình, nhưng bà nhận biết rằng mình chỉ là một người ngoại quốc, không thuộc về dân tộc có giao ước với Chúa nên bà chỉ cầu xin sự thương xót của Chúa. Người phụ nữ cứ nài xin Chúa chữa lành cho con gái mình nhưng Chúa vẫn giữ yên lặng. Các môn đệ lại gần xin Chúa “xin thầy bảo người này về đi.” có thể hiểu theo hai cách: 1/ Xin Chúa bảo bà này về đi vì bà quấy rầy Chúa hay các môn đệ. 2/ Xin Chúa chữa lành cho con gái bà để bà về đi, không còn quấy rầy họ nữa. Vì Chúa đã chữa lành cho con gái bà này nên có lẽ ý kiến thứ hai là đúng.
Câu trả lời của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì? Ngài chỉ đến giảng dạy và cứu rỗi người Israel mà thôi hay sao. Trong ánh sáng của các sách Phúc Âm chúng ta thấy Chúa Giê-su cũng cứu rỗi người ngoại quốc (Sa-ma-ri) và Đại Mạng Lệnh của Chúa bao gồm cả nhân loại. Mat 28:18-20 Như vậy câu này chỉ nói đến chiến lược vì Ngài chỉ giáng thế làm người trong một thời gian ngắn và một phần khác người Israel là dân giao ước của Đức Chúa Trời nên họ được đặc ân ưu tiên. Nhóm từ “con chiên lạc mất của nhà Israel” chỉ về một số người lạc mất trong dân Israel hay chỉ về toàn thể người Israel? Khi sai phái các Sứ Đồ đi truyền giảng (Mat 10:6) Chúa so sánh “con chiên lạc mất của nhà Israel” với dân ngoại quốc, vì thế nhóm từ này chỉ về toàn thể dân Israel.
- Chúa giúp đỡ người ngoại quốc.
Ty-rơ và Si-đôn là hai thành ngoại quốc dọc bờ biển Địa Trung Hải về phía bắc biên giới Do Thái (Thuộc Lebanon ngày nay). Từ thời cổ hai thành này nổi tiếng phồn thịnh và thờ thần Ba-anh.
Mác nhận diện người đàn bà này là người Hy-lạp sinh trưởng ở vùng Si-ry.
Người đàn bà này đã gọi Chúa Giê-su bằng danh hiệu của Đấng Mê-si-a (Con vua Đa-vít).
“Những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên” là thành ngữ chỉ về dân Y-sơ-ra-ên (Do Thái) nhưng họ đã bị lạc đường, không còn thờ phụng Đức Chúa Trời đúng cách và sau này đại đa số giới lãnh đạo cũng như dân Do Thái cũng từ khước Chúa Cứu Thế (Mê-si-a) của họ (Giăng 1:10-11).
Chó con: Chúa Giê-su dùng từ “chó con làm kiểng”, không phải chó thường.
Người Do Thái sùng đạo thường cho rằng người ngoại quốc thờ cúng thần tượng nên ô uế như loài chó.
Chúa Giê-su đã dùng từ ngữ “chó con” hay chó kiểng nuôi trong nhà cho thấy Chúa không có ý khinh miệt người ngoại quốc.
Chúa Giê-su đã đến với dân Do Thái trước để được ứng nghiệm mọi lời tiên tri trong Kinh Thánh nhưng Ngài cũng đến thế gian để cứu rỗi cả nhân loại.
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc.” Giăng 3:16
“Chính Ngài là lễ vật hy sinh chuộc tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng tội lỗi của cả thế gian nữa.”(1Giăng 1:2)
Mạng lệnh cuối cùng của Chúa Cứu Thế cho các môn đệ người Do Thái cũng là mạng lệnh cho toàn thể nhân loại.(Mat 28:18-20)
Chúa Giê-su chủ yếu giảng dạy Lời Chúa (Kinh Thánh), Phúc Âm và Ngài cũng chữa bệnh, đuổi quỷ, trừ tà ma và ban bánh cho những người đến nghe Ngài giảng dạy ăn vì họ đã ở lại nghe Ngài dạy đến ba ngày liên tiếp.
Đại ý đoạn Kinh Thánh: Nhờ đức tin lớn và lòng kiên nhẫn, khiêm nhu người đàn bà Ca-na-an đã được Chúa khen và chữa lành cho con gái mình.
Chúa Giê-su đã giảng dạy Lời Chúa, truyền bá Phúc Âm và Ngài chỉ chữa bệnh, ban bánh cho dân chúng ăn ( những người đã đến để nghe Ngài dạy Đạo) và các mục vụ tình thương như chữa bệnh, đuổi quỷ, ban bánh này không phải là mục vụ chính của Ngài.
Người phụ nữ này chấp nhận vị trí thấp kém và không có ưu tiên của mình và chỉ xin ân huệ thương xót của Chúa, vì thế Chúa đã khen bà “ngươi có đức tin lớn thật.” và chữa lành cho con gái bà. Vì đức tin lớn lao của bà này, Chúa đã bày tỏ quyền năng siêu nhiên vĩ đại của Ngài để chỉ phán một lời và chữa lành cho con gái bà từ xa.
Áp dụng
1/ Dù chỉ thi hành chức vụ trong một thời gian ngắn, ba năm rưỡi, dù vậy Chúa Giê-su đã để thì giờ đi ra ngoại quốc và truyền giảng Phúc Âm Nước Đức Chúa Trời cho người ngoại quốc.
Chúng ta cũng nên để thì giờ và cơ hội truyền giảng Phúc Âm cho tất cả mọi người đồng hương lẫn ngoại quốc.
2/ Đức Chúa Trời không cứu rỗi loài người theo chủng tộc, nhưng theo đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-su. Mỗi người dù thuộc bất cứ chủng tộc nào cũng đều có thể tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-su để được cứu rỗi.
3/Người phụ nữ này đã thật sự khiêm nhường trước mặt Chúa và có niềm tin mạnh nơi Chúa nên được Ngài khen ngợi. Hãy khiêm nhường và tin cậy vào Chúa.
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Chúa Giê-su đi đến hai thành của người ngoại quốc nói lên điều gì về Ngài.?
2/ Câu trả lời, “Ta chỉ được phái đến cho những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên mà thôi” có ý nghĩa gì?
3/ Tại sao người Do Thái coi người ngoại quốc là “chó”? Điều gì chứng tỏ điều gì về ngươi Do Thái sùng đạo?
4/ Tại sao Chúa khen người đàn bà Ca-na-an có đức tin lớn?
5/ Chúng ta phải có điều gì để Chúa ban cho chúng ta những điều chúng ta cầu xin Ngài?