Bài 53 – Giọng Miền Nam
Bài 53 – Giọng Miền Bắc
I.Cây vả bị khô héo
Cây nho và cây vả thường được ví như dân Israel. Thi 105:33; Ô-sê 2:12 Ở đây Chúa có thể dùng ví dụ này để chỉ đến dân Chúa, hay những người tuyên xưng rằng mình theo Chúa nhưng chỉ theo về hình thức tôn giáo bên ngoài mà không có kết quả thuộc linh. Chúa muốn thấy kết quả thuộc linh nơi những người tin Chúa. Kinh Thánh cho thấy có ít nhất là hai loại quả thuộc linh: 1/ Bông trái đức Thánh Linh: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, nhu mì, tiết độ. Ga-la-ti 5:22-23
2/ Bông trái cứu rỗi hay là người tin Chúa. Rô-ma 1:1:13, 16
Là con dân Chúa chúng ta phải đổi mới mỗi ngày, nhờ Đức Thánh Linh trau dồi những mỹ tính mà Chúa ban cho người tin cậy Ngài. Con dân hay hội thánh Chúa cũng phải sinh bông trái, tức là đem người tội lỗi trở về tin Chúa và gia nhập hội thánh Chúa.
Ma-thi-ơ ghi lại những biến cố này chủ ý cho thấy Chúa Giê-su chính là vua Mê-si-a, Ngài đã đến và làm ứng nghiệm lời Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cũng là Con Đức Chúa Trời; Ngài đến để khai trương Vương Quốc Đức Chúa Trời trên đất. Vương Quốc Đức Chúa Trời là sự tể trị của Đức Chúa Trời. Chúa muốn mọi người đều được vào Vương Quốc Đức Chúa Trời, được tái sinh (Giăng 1:12-13; 3:3-8) nghĩa là phải tin Chúa Giê-su làm Đấng cứu rỗi mình và để Ngài làm chủ, làm vua tể trị đời sống mình.
Những người lãnh đạo Do Thái giáo tuyên xưng rằng họ tin và thờ Đức Chúa Trời nhưng họ không tin Con Đức Chúa Trời tức là Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã phái đến. Vì thế những người lãnh đạo Do Thái giáo không có sự sống vĩnh phúc (I Giăng 5:11-12).Những người này đã bày tỏ lòng tham lam, cấu kết với giới thương mại sử dụng đền thờ Đức Chúa Trời để kiếm lợi. Chúa Giê-su đã dẹp sạch đền thờ vì giới lãnh đạo Do Thái giáo lúc ấy đã thỏa hiệp với giới thương mại, biến nơi thờ phượng thiêng liêng, thánh khiết trở thành sào huyệt của kẻ trộm cướp, tội lỗi, xấu xa. Chúa Giê-su dạy, “Nhưng giờ sắp điểm và thật ra đã điểm đây rồi, lúc những người thực tâm thờ phượng sẽ thờ phượng Chúa Cha bằng tâm linh và lẽ thật, vì Chúa Cha vẫn tìm kiếm những người có lòng thờ phượng như vậy.” Giăng 4:23
Cây vả thường ra trái vả xanh trước rồi đến lá xanh và sau đó khi đến mùa, trái vả sẽ chín sẵn sàng để hái. Cây vả có lá xanh thì cũng phải có quả xanh; nhưng Chúa Giê-su không tìm thấy quả vì thế Ngài quở trách cây vả đó. Điều này là một biểu tượng cho thấy giới lãnh đạo Do Thái giáo chỉ là những cây vả đầy những lá xanh nhưng không có trái; những cây này sẽ chết khô. Bài học này cũng áp dụng cho con dân và hội thánh Chúa lúc bấy giờ cũng như trong mọi thời đại. Những người chỉ theo Chúa bằng hình thức, nghi lễ bên ngoài nhưng chưa được tái sinh, đổi mới và không có kết quả tâm linh sẽ bị khô héo và chết. Kinh Thánh cho biết có hai loại quả tâm linh:
Kết quả hay bông trái Thánh Linh: “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, nhu mì, tiết độ.” Ga-la-ti 5:22-23 Một người tín đồ thật của Chúa Giê-su là người đã được tái sinh, đổi mới và nhờ tiến trình thánh hóa bằng Lời Chúa và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh nên sẽ có những mỹ tính này.
Kết quả hay bông trái của Phúc Âm, tức là những người nghe giảng dạy Phúc Âm, tin Chúa Giê-su và được cứu rỗi. Phao-lô muốn đến thăm hội thánh Rô-ma và muốn giảng Phúc Âm để cứu rỗi người La Mã cùng tất cả những người ở thủ đô Rô-ma. (Rô-ma 1:13, 16,17) Tín hữu và hội thánh tin cậy Phúc Âm sẽ làm chứng, giảng dạy Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-su để đem người hư mất về cùng Chúa.
Chúa Giê-su quở trách cây vả chỉ có lá xanh nhưng không có trái là bài học cho con dân và hội thánh Chúa ngày nay. Hội thánh của bạn có làm chứng, truyền giảng Phúc Âm để đem người hư mất về với Chúa không? Trong tháng qua, năm qua hội thánh đã đem được bao nhiêu người về cùng Chúa?
II.Cầu nguyện với đức tin
Thay vì trả lời câu hỏi làm thế nào mà cây vả kia khô héo ngay như vậy, Chúa Giê-su đã dạy cho môn đệ Ngài cũng như tất cả chúng ta bí quyết để con dân và hội thánh Chúa sinh bông trái làm vinh hiển Danh Ngài.
Thứ nhất chúng ta phải có đức tin nơi Chúa nghĩa là tin cậy Chúa Giê-su làm đấng cứu rỗi và chủ tể, tức là vua trên đời sống mình. Đa số tín hữu ngày nay cũng giống như người Do Thái thời Chúa Giê-su. Họ tuyên xưng rằng họ tin và thờ Đức Chúa Trời nhưng họ không nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, Con Đức Chúa Trời làm Đấng Cứu Thế (Mê-si-a) và vua của họ. Và những người Do Thái này đã thỏa hiệp với giới thương mại trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời.
Thứ hai, chúng ta phải nghiêm túc, khẩn thiết cầu nguyện cùng Chúa. Sự cầu nguyện cao cả nhất là cầu nguyện xin Chúa ban cho năng lực để vâng phục và hoàn thành ý Chúa như Chúa Giê-su đã cầu nguyện trên núi Ô-liu. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con! Dầu vậy, xin đừng theo ý Con, nhưng xin ý Cha được nên.” Lu-ca 22:42 Ý của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Đại Mạng Lệnh của Đức Chúa Con: “Hãy đi môn đệ hóa muôn dân cho Ta, làm phép báp-tem cho họ nhân danh Đức Chúa Cha, Đức chúa Con và Đức Thánh Linh, dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và này Ta hằng ở cùng các con luôn cho đến tận thế.” Mat 28:19-20
Cảm tạ ơn Chúa, lời Chúa hứa cho mọi người tin cậy Ngài, “Bất cứ điều gì các con cầu xin trong khi cầu nguyện với đức tin, các con sẽ nhận được.” Mat 21:22
Như vậy chúng ta hãy tin cậy Chúa Cứu Thế như là Đấng cứu rỗi và cũng phải tin cậy Chúa như là Đấng Chủ Tể (Vua) trên đời sống mình. Hãy khẩn thiết cầu nguyện với đức tin đó và cầu xin những gì đẹp ý Chúa, chắc chắn Chúa sẽ ban cho chúng ta. Chúa Cứu Thế Giê-su đã phán:
“Ta đã đến để chiên được sống và sống sung mãn” Giăng 10:10
III. Thẩm quyền của Chúa Giê-su
Chúa Giê-su đã vào Giê-ru-sa-lem như vị vua bình an và Chúa đang thi hành sứ mệnh của Đức Chúa Cha đúng như lời Đức Chúa Trời đã phán. Chúa Giê-su đã đi khắp các thành, các làng để giảng Phúc Âm về Nước Đức Chúa Trời, dạy lời Chúa (Kinh Thánh ) và chữa lành bệnh tật, đau yếu giữa vòng dân chúng. (Mat 9:35) Trong khi giảng dạy Chúa Giê-su đã điều chỉnh nhiều điều các giáo sư Do Thái giáo đã dạy dỗ sai lầm và bác bỏ nhiều truyền thống do con người đặt ra.
Hành động dẹp sạch đền thờ đã cho thấy Chúa Giê-su chứng tỏ sự sai lầm của giới lãnh đạo tôn giáo. Ngài muốn người Do Thái thay đổi thái độ thờ phượng Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã phán với người đàn bà Sa-ma-ri, “Nhưng giờ sắp điểm và thật ra đã điểm đây rồi, lúc những người thực tâm thờ phượng sẽ thờ phượng Chúa Cha bằng tâm linh và lẽ thật, vì Chúa Cha vẫn tìm kiếm những người có lòng thờ phượng như vậy.” Giăng 4:23
Hành động quở trách cây vả cho thấy hai điều, thứ nhất là tấm lòng của Đức Chúa Trời khi kêu gọi và kết giao ước với dân Chúa là muốn cho họ sống sung mãn và sinh bông trái làm vinh hiển danh Ngài. Thứ hai, Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời hằng sống, có thẩm quyền từ Đức Chúa Cha trên mọi sự.
Mác ghi nhận nhóm người đến hỏi Chúa Giê-su gồm cả ba thành phần trong hội đồng quốc gia: Các thượng tế, giáo sư Kinh Luật và trưởng lão. Đây là những người đại diện cho chính quyền người Do Thái. Những người này đã từ khước thẩm quyền của Giăng Báp-tít mà đa số dân chúng công nhận; họ cũng từ khước thẩm quyền của Chúa Giê-su nhưng không dám công khai nói ra vì sợ dân chúng.
Qua cuộc đối thoại này chúng ta thấy Chúa Giê-su xác nhận với giới lãnh đạo Do Thái rằng Ngài là Đấng có thẩm quyền của Đức Chúa Trời.
- Chúa Giê-su có thẩm quyền trong khi giảng dạy Lời Chúa. Dân chúng ghi nhận Chúa Giê-su đã giảng dạy với thẩm quyền chứ không như các giáo sư Kinh Luật của họ. Mat 7:29
- Chúa Giê-su xác nhận rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời, Đấng có quyền tha tội. Mat 9:6
- Chúa Cứu Thế Giê-su có toàn quyền trên trời và dưới đất. “Tất cả thẩm quyền trên trời, đưới đất đều đã giao cho Ta.” Mat 28:18
Áp dụng
1/Chúng ta hãy tin nhận Chúa Giê-su làm Đấng cứu rỗi và Chủ Tể đời sống của mình vì Ngài là Đấng duy nhất có thẩm quyền tha tội và ban cho chúng ta sự sống vĩnh phúc.
2/ Chúng ta hãy làm chứng, truyền giảng Phúc Âm cho gia đình, họ hàng, dân tộc để họ cũng tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su và được cứu rỗi vì chỉ có Chúa Cứu Thế Giê-su mới có quyền cứu rỗi nhân loại.
3/ Hãy vâng lời, thi hành Đại Mạng Lệnh của Chúa: “hãy đi môn đệ hóa muôn dân cho Ta.” vì Ngài có đầy đủ thẩm quyền để giúp chúng ta hoàn thành sứ mệnh.
4/ Hãy quyết tâm để thì giờ cầu nguyện cá nhân và tham gia cầu nguyện tập thể với hội thánh thường xuyên.
Câu Hỏi Thảo Luận
1/Nếu cây vả là biểu tượng của dân Chúa ngày xưa và cũng là biểu tượng của hội thánh Chúa ngày nay thì điều Chúa mong ước cây vả có nhiều trái nói lên điều mong ước của Chúa đối với hội thánh ngày nay là điều gì?
2/ Theo Lời Chúa (Mat 21:22) mỗi tín hữu cũng như hội thánh phải làm gì để có nhiều bông trái làm vinh hiển Chúa?
3/ Tại sao chỉ có Con Đức Chúa Trời mới có quyền tha thứ tội lỗi cho nhân loại ?
4/ Tại sao những môn đệ và hội thánh vâng theo Đại Mạng Lệnh của Chúa thì sẽ thành công? Mat 28:18