Bài 45 – Giọng Miền Nam
Bài 45 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Hội thánh là cộng đồng của những người đã tin Chúa và được tái sinh, đổi mới vì thế con dân Chúa nên sống theo nguyên tắc thiên thượng.
I.Cách đối xử với anh chị em phạm tội với mình
Con dân Chúa trong hội thánh dù là những người đã được tái sinh, đổi mới nhưng tất cả chúng ta đều vẫn ở trong xác thịt, bị cám dỗ, thử thách từ ma quỷ, thế gian cho nên chúng ta vẫn có thể phạm tội và đôi khi phạm tội với anh chị em mình trong hội thánh.
Khi có một người trong cộng đồng dân Chúa vi phạm, gây thương tổn chúng ta, chúng ta phải đối xử như thế nào? Đây là nguyên tắc Chúa dạy:
1/ Hãy đến gặp riêng người đó để khuyên bảo.
Chúa dạy rõ hãy đến gặp riêng người đã vi phạm mình. Thông thường người ta hay nói với nhiều người khác, vạch ra những điều xấu hay lên án, tố cáo người kia. Chúa dạy chúng ta là con dân Chúa, không nên hành động như thế vì nhiều lý do:
a/ Người vi phạm chúng ta có thể vì vô tình, không có chủ ý làm hại chúng ta.
b/ Chúng ta nói với người khác nhưng không có mặt người đã vi phạm nên họ không có cơ hội để giải thich, biện hộ.
c/ Chúng ta có thể chủ quan, hiểu lầm.
Vì thế Chúa dạy chúng ta hãy sống và hành động theo tình yêu thương. Chúng ta nên đến gặp riêng với người đã vi phạm mình để chỉ bảo, giải thích cho người đó thấy lầm lỗi của họ. Điều này chỉ nên làm riêng tư giữa hai người để tránh làm cho người phạm lỗi phải hổ thẹn, mất mặt trước những người khác.
Chúng ta cũng nên tránh chỉ trích, lên án lầm lỗi, sai phạm của người khác trước đám đông hay trong những buổi họp. Hãy mời riêng người vi phạm hay lầm lỗi đến gặp chúng ta sau buổi họp để giải thích, khuyên bảo người đó.
Vấn đề kỷ luật nên giữ ở mức độ riêng tư giữa hai người liên hệ mà thôi.Khi chúng ta gặp riêng người đã vấp phạm, chúng ta chứng tỏ cho họ thấy rằng chúng ta yêu mến, kính trọng họ; không muốn bêu xấu họ trước nhiều người khác và như thế cái cơ may để người có lỗi nhận thấy lầm lỗi của mình, bằng lòng xin lỗi và giải hòa càng nhiều hơn.
2/ Hãy đem một hai người chứng đến gặp riêng người vi phạm.
Nếu người có lỗi vẫn không nhận lỗi, chúng ta có thể mời một hai người chứng để chứng tỏ rằng người đó dã hành động sai quấy. Tuy nhiên trong giai đoạn này chúng ta vẫn giữ vấn đề giữa vài người biết mà thôi. Theo luật pháp Môi-se, hai hay ba nhân chứng là đủ khách quan để xác lập vấn đề. Nếu người đã phạm tội vẫn không nhận tội, chúng ta có thể đem ra hội thánh.
Vấn đề kỷ luật không nên phổ biến cho nhiều người biết nhưng chỉ có vài người trưởng thành, lãnh đạo biết và tìm cách giải quyết càng sớm càng tốt.
3/ Hội thánh là cộng đồng dân Chúa được Chúa ban cho thẩm quyền tối cao để phán xét những vấn đề đạo đức và tâm linh giữa vòng con dân Chúa.
Hội Thánh có Đức Thánh Linh, là thần chân lý sẽ soi sáng và hướng dẫn con dân Chúa vào mọi lẽ thật (Giăng 16:13). Hội Thánh có Lời Chúa, là chân lý, là ánh sáng soi trong tối tăm. (2Tim 3:14-17) Như thế hội thánh có thẩm quyền và chân lý để phán xét mọi việc. Nếu hội thánh xác nhận rằng một người đã hành động sai, trái với Lời Chúa thì người đó nên công nhận sự phán xét này. Nếu một người không chấp nhận sự phán xét của hội thánh, người đó sẽ bị coi như người ngoại đạo, chưa được tái sinh.
II.Thẩm quyền của hội thánh c.18
Chúa Giê-su cũng đã phán với Phê-rơ điều này và giờ đây Chúa phán với tất cả các môn đệ khác và với hội thánh. Quyền buộc và mở ở đây chủ yếu nói đến thẩm quyền của hội thánh Chúa trong việc làm chứng, truyền bá Phúc Âm cứu rỗi cho mọi người. Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng duy nhất có quyền cứu rỗi nhân loại; Phúc Âm hay Tin Lành cứu rỗi của Ngài là sứ điệp duy nhất có thể cứu rỗi tội nhân. Phúc Âm của Chúa Giê-su có quyền giải cứu con người tội lỗi ra khỏi tội lỗi và nhận được sự sống vĩnh phúc cho người tin. Tín hữu và hội thánh làm chứng, rao truyền Phúc Âm là mở trói, tháo gỡ gông cùm tội lỗi cho những người bằng lòng tin.
Đối với những người từ khước Phúc Âm, không chịu tiếp nhận sự cứu rỗi do Chúa Cứu Thế Giê-su ban cho thì chính họ đã đóng cửa Thiên Đàng. Chính Chúa Giê-su đã rời khỏi Na-xa-rét khi dân chúng từ khước Phúc Âm của Ngài và Chúa cũng dạy cho các môn đệ hãy phủi bụi nơi chân, rời bỏ những thành hay nhà không hoan nghênh Phúc Âm và sứ giả của Chúa.
III.Quyền năng trong sự hiệp ý cầu nguyện
Chính Chúa Giê-su đã làm gương về đời sống cầu nguyện cá nhân, Kinh Thánh ghi chép nhiều lần Chúa đã đi riêng ra nơi thanh vắng hay lên núi để cầu nguyện.
Trong chương 17 Chúa đem Phê-rơ, Gia-cơ và Giăng lên núi cầu nguyện với Ngài. Ở đây Chúa dạy chúng ta về tinh thần cầu nguyện tập thể. Chúa hứa với chúng ta hai điều:
1/ Chỉ cần hai hay ba người hiệp ý nhau cầu nguyện theo ý Chúa, Ngài sẽ đáp lời.
2/ Chỉ cần hai hay ba người họp nhau lại theo ý Chúa và trong danh Chúa, Chúa sẽ ở cùng nhóm người đó. Ở đâu có Chúa hiện diện thì ở đó có sự bình an, vui mừng, hy vọng và quyền năng Chúa cũng được bày tỏ giữa vòng con dân Chúa. Quyền năng cứu rỗi, sự đáp lời cầu nguyện, những phép lạ chữa bệnh, đuổi quỷ… đang xảy ra tại nhiều nơi từ những nhóm tín hữu, những hội thánh trung tín, nhiệt thành cầu nguyện với Chúa.
Áp Dụng
1/ Hãy cầu nguyện để chúng ta cố gắng giải hòa với người đã vi phạm mình.
2/ Vấn đề kỷ luật chỉ nên giữ trong vòng ít người biết để khỏi gây hiểu lầm, gây xáo trộn, chia rẽ trong cộng đồng dân Chúa.
3/ Hội thánh có thẩm quyền tối cao trong vấn đề đạo đức và tâm linh (Giáo lý).
4/ Chúa đã ban cho con dân và hội thánh Chúa quyền rao giảng Phúc Âm để giải cứu loài người tội lỗi ra khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Hãy trung tín, nhiệt thành làm chứng, truyền giảng Phúc Âm cho cộng đồng, dân tộc.
5/ Chúa ban cho con dân Chúa một lời hứa rất quan trọng: Hãy lập nhóm nhỏ cầu nguyện thường xuyên. Chúa sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta khi chúng ta hết lòng, hiệp ý cầu xin Chúa.
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Nếu có người phạm lỗi cùng bạn, bạn sẽ giải quyết khôngbằng cách nào ?
2/ Tại sao Chúa ban cho hội thánh thẩm quyền trong vấn đề đạo đức và tâm linh (giáo lý)?
3/ Theo bạn, tín hữu và hội thánh Việt Nam đã thi hành đầy đủ quyền truyền giảng Phúc Âm cho dân tộc mình chưa? Hãy nêu lý do tại sao?
4/ Bạn có tham gia hay lập một nhóm nhỏ cầu nguyện chưa?
-Nếu chưa, thì cho biết lý do tại sao chưa?
-Nếu đã tham gia, xin chia sẽ những ân phước bạn đã nhận được qua nhóm cầu nguyện.