Bài 62 – Giọng Miền Nam
Bài 62 – Giọng Miền Bắc
Giới thiệu
Đám cưới là một biến cố quan trọng và là một dịp vui không những cho cô dâu chú rễ, hai họ nhưng cũng cho bạn bè quyến thuộc gần xa. Chúa Giê-su đã ví Nước Thiên Đàng giống như phần rước dâu trong lễ cưới Do Thái thời đầu Công Nguyên để dạy chúng ta về sự chuẩn bị sẵn sàng để đón Chúa tái lâm.
I.Năm trinh nữ khôn ngoan
Câu chuyện chú trọng đến mười cô gái phụ dâu cùng cô dâu và nhà gái chờ chàng rễ và phái đoàn đến rước dâu.
- Những điểm giống nhau
1.Mười cô gái trẻ này đều được mời làm phụ dâu để đón chàng rễ và dự tiệc cưới.
2.Mười cô gái trẻ này đều có mặt trong nhà gái và có đèn đầy đủ.
3.Mười cô gái đều có hy vọng đón chàng rễ và dự tiệc cưới.
- Mười cô gái đều ngủ thiếp đi.
- Điểm khác nhau
1.Năm cô gái khôn ngoan không những chỉ đem đèn nhưng cũng mang theo bình dầu phòng hờ. Năm cô gái này hiểu rõ phong tục của họ; chàng rễ và phái đoàn chắc chắn sẽ đến nhưng có thể đến trễ hơn dự tính.
2.Về phuong diện tâm linh, trong lãnh vực đức tin có những điều người ta không thể chia sẻ được. Một người không thể tin hộ hay tin thay cho một ai khác, kể cả con cháu mình.
- Năm cô gái khôn ngoan biết chuẩn bị để có đèn sáng, sẵn sàng đón tiếp chàng rễ và cùng chàng rễ đi đến tiệc cưới.
Theo phong tục thời đó, người không có đèn hay đuốc đi theo phái đoàn nhà trai dự tiệc cưới là người xa lạ, đi ăn hờ.
II.Năm trinh nữ dại khờ
Năm cô gái dại là những cô không chuẩn bị dầu cho đèn của mình; họ phải đi ra cửa hiệu mua dầu và vì thế bị trễ, không được vào dự tiệc cưới.
Bài học
Chúng ta thấy có vài bài học về ngụ ngôn này:
- Ngày nay có một số người bề ngoài có nhiều điều giống với tín hữu thật của Chúa nhưng khi Chúa Cứu Thế Giê-su trở lại như một vị thẩm phán tối cao phán xét nhân loại thì tín đồ thật và tín đồ hữu danh vô thực sẽ hiện rõ.
- Tín hữu bề ngoài vì chưa được tái sinh, không có sự sống tâm linh nên không thể chiếu sáng như đèn không có dầu.
- Chúa Giê-su kết luận:
“Vậy hãy tỉnh thức vì các con không biết ngày cũng chẳng biết giờ Con Người đến.” Mat 25:13
Tín hữu thật và khôn ngoan của Chúa là những người dù không biết rõ ngày, giờ Chúa tái lâm nhưng luôn luôn chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng đón Chúa.
4.Làm thế nào để chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng để đón Chúa Cứu Thế tái lâm?
Mỗi người trong chúng ta cần phải được tái sinh, có sự sống vĩnh phúc, tức là có sự sống đời đời, là đời sống không hư mất, không bao giờ chấm dứt (hết dầu), và có Chúa Thánh Linh trong lòng. Giăng 1:12, 13; Ga-la-ti 3:2,5
5.Chúng ta phải học hỏi Lời Chúa như là ăn bánh (cơm) tâm linh (Mat 4:4) và cầu nguyện
tương giao với Chúa như là hơi thở tâm linh. Êph 6:18
III.Hai đầy tớ giỏi, tốt và trung tín
Chúa kể ngụ ngôn về sự phán xét trong Nước Đức Chúa Trời trên đất khi Ngài tái lâm.
Chủ đi xa chỉ về Chúa Cứu Thế đã thăng thiên về trời và Ngài hứa rằng Ngài sẽ trở lại để đón nhận hội thánh và phán xét thế gian. Công Vụ 1:11; Giăng 14:1-3
Chủ giao cho các đầy tớ một số tiền để đầu tư. Chủ biết khả năng của mỗi người nên giao số tiền khác nhau cho mỗi người.
Nén bạc hay (talent) là một đơn vị đo lường khoảng 36 kí-lô, hay quý kim như vàng, bạc, đồng. Một nén bạc trị giá bằng 6000 đê-na-ri (tiền lương một ngày) hay tương đương với hai mươi năm lương của một công nhân thời ấy. Như vậy người chủ đã giao cho các đầy tớ mình mỗi người một số vốn khá lớn để đầu tư. Chủ là người rất rộng lượng. Người chủ rất tín nhiệm các đầy tớ mình. Thật ra những người đầy tớ này là những nô lệ, không có quyền lợi gì cả; tất cả đều là ân huệ của chủ. Người chủ đã đối xử với các đầy tớ này như người nhà.
Người đầy tớ nhận được năm nén bạc liền làm ăn kinh doanh với số vốn mình có và làm lợi ra được năm nén bạc. Hay nói một cách khác người đầy tớ này làm lợi số vốn lên gấp đôi hay 100%. Người đầy tớ nhận được hai nén bạc cũng thế; người này liền làm ăn kinh doanh với số vốn mình có và làm lợi ra được hai nén bạc, tức là cũng làm lợi số vốn lên gấp đôi hay 100%. Người đầy tớ thứ ba nhận được một nén bạc, đi đào đất chôn giấu nén bạc; không làm gì với số vốn đó cả.
Sau đó chủ trở về, kêu những người đầy tớ đến để kiểm điểm công việc của họ.
Người đầy tớ đã nhận năm nén bạc đem thêm năm nén bạc nữa đến trình chủ. Chủ khen: “Giỏi lắm, anh là đầy tớ tốt và trung tín! Anh đã trung tín trong các việc nhỏ, ta sẽ đặt anh cai quản những công việc lớn hơn, hãy vào chung vui với chủ anh.”c. 21
Tấm gương của người đầy tớ trung tín chúng ta học được gồm nhiều điều:
1/ Ngay sau khi nhận được năm nén bạc, người đầy tớ liền đi đầu tư, không chần chờ.
2/ Người đầy tớ sử dụng khả năng của mình đi làm ăn, đầu tư, buôn bán với số vốn mình có. Ngườ này dám tận dụng cơ hội, không sợ bị lỗ vốn.
Về phương diện tâm linh, số vốn chúng ta nhận được từ Chúa là sự sống vĩnh phúc (đời đời) thì không thể mất đi được. Trong ngụ ngôn này, cả ba người đầy tớ, không có ai làm mất vốn cả.
Những điều khen thưởng hai người đầy tớ nhận được:
1/ Người đầy tớ giỏi. Có khả năng và biết tận dụng khả năng của mình.
2/ Người đầy tớ tốt. Nói về đức tính đạo đức, hiểu biết Chúa và sống theo đường lối của Chúa, không theo đường lối của thế gian.
3/ Trung tín: Tin tưởng Chúa, trung thành với Chúa cho đến cùng và biết đầu tư, tận dụng cơ hội làm lợi cho Vương Quốc Chúa.
4/ Người này được chung vui với Chủ; có niềm vui của Chúa trong đời sống và trong Nước Thiên Đàng vĩnh cửu.
IV.Người đầy tớ gian ác, lười biếng, bất trung
Người đầy tớ nhận được một nén (talent) bạc đến trình chủ.
A.Những đặc tính tiêu cực về người đầy tớ bất trung này:
1/ Người này hiểu sai lầm về chủ mình. Người này cho rằng chủ nghiêm nhặt, bóc lột trong khi đó chủ rất nhân từ, rộng lượng đối với anh ta. Thật ra người này vốn là một tên nô lệ, không có quyền lợi gì cả nhưng chủ đã thương, coi như người nhà và giao cho một số vốn lớn.
2/Người đầy tớ sợ chủ trừng phạt. Người này chưa có mối quan hệ thân thiết với chủ.
3/ Người này không tin vào khả năng của mình.
4/ Người này không muốn đầu tư, làm ăn gì cả.
5/ Người này thiếu cả sự khôn ngoan tối thiểu, gửi tiền trong ngân hàng để kiếm lợi.
B.Hình phạt dành cho người đầy tớ bất trung.
1/ Nén bạc người này có bị lấy đi, cho người có mười nén bạc.
2/ Người đầy tớ bị coi là vật (nô lệ) vô dụng.
3/ Người này bị ném ra ngoài nơi tối tăm, nơi có than khóc và rên xiết (Thành ngữ chỉ về địa ngục đau khổ).
Áp dụng
1/Gương tốt bạn học được từ hai đầy tớ trung tín là gì?
2/ Gương xấu nơi đầy tớ gian ác con dân Chúa nên tránh là gì?
3/ Bạn đã nhận được những ân phúc gì từ Chúa bởi đức tin?
4/ Là con dân Chúa, bạn đang có ân phúc gì mà không bao giờ bị lỗ vốn đi không?
5/ Tại sao người đầy tớ giấu nén bạc (Talent) bị coi là gian ác?
Câu Hỏi Thảo Luận
1/ Khi tin Chúa bạn đã được những ân phúc gì?
2/ Gương tốt bạn học được từ người đầy tớ trung tín là gì?
3/ Gương xấu của người đầy tớ bất trung bạn nên tránh là gì?
4/ Theo ngụ ngôn này “trung tín” nghĩa là gì?
5/ Tại sao người đầy tớ giấu nén bạc bị coi là gian ác và bất trung?