Bài 12 – Giọng Miền Nam
Bài 12 – Giọng Miền Bắc
Giới Thiệu
Trong Do Thái giáo thời bấy giờ người ta chú trọng đến ba hành động được coi là công chính: Làm việc từ thiện, bác ái, cầu nguyện và kiêng ăn.
Chúa Giê-su cũng dạy các môn đệ Ngài và tất cả chúng ta nữa về ba hành động này. Những hành động đạo đức và tôn giáo trong Vương Quốc Đức Chúa Trời đều phải phát xuất từ tấm lòng hay tâm trong sạch, thánh thiện.
I.Việc Thiện
Làm việc từ thiện, bác ái giúp người nghèo khổ, hoạn nạn là điều tốt. Tuy nhiên Chúa Giê-su muốn thấy con dân của Ngài làm việc thiện với tấm lòng công chính thật vì Đức Chúa Trời thấy tận trong lòng; Ngài thấy rõ động lực nào thúc đầy người ta hành động.
Không nên làm việc từ thiện để phô trương, để kiêu hãnh khoe khoang rằng mình đạo đức hơn người. Một người làm việc từ thiện để phô trương, khoe khoang về mình thì sẽ không được Chúa khen thưởng vì trước mặt Chúa, người này có động lực không công chính và là một người đạo đức giả. Người Do Thái thường khắc tên những người dâng nhiều tiền cho hội đường trên hàng ghế đầu của hội đường. Người ngoại đạo thường khắc tên, đúc tượng vinh danh những người làm điều công đức lớn.
Chúa khuyên con dân Ngài nên làm việc từ thiện một cách kín đáo vì chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời biết và thấy tất cả; Ngài sẽ tưởng thưởng xứng đáng cho mọi người làm lành.
Nhiều con cái Chúa đã kinh nghiệm được điều này. Những tín hữu âm thầm dâng hiến một số tiền lớn để cứu giúp những người nghèo khổ, hoạn nạn thì sau đó Chúa ban cho họ lại số tiền đó bằng nhiều nguồn tài chánh khác nhau. Đây là nói về tiền bạc, vật chất hiện tại; Kinh Thánh cho biết trong ngày phán xét cuối cùng con dân Chúa cũng được khen thưởng trên Thiên Đàng.1Cor 3:12-14
II.Cầu nguyện
Trong đoạn này (Mat 6:5-15) Chúa Giê-su dạy chúng ta một mô hình cầu nguyện cá nhân.
Trước hết Chúa dạy về động lực chính đáng trong khi cầu nguyện. Hai động lực sai lầm con dân Chúa nên tránh:
1/ Cầu nguyện nơi đông người để người ta nghe và thấy lòng mộ đạo của mình. Đây là một thái độ đạo đức giả. Đức Chúa Trời sẽ không nghe lời cầu nguyện của những người này. Chúa Giê-su cũng đã dạy trong một ngụ ngôn về người Pha-ri-si và người thâu thuế cầu nguyện (Lu-ca 18:9-14). Người Pha-ri-si cầu nguyện khoe khoang về công đức của mình nhưng Chúa dạy rằng lời cầu nguyện của người này sẽ không được nhậm. Trong khi đó người thâu thuế đứng xa xa, cúi mặt xưng tội và xin sự thương xót của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su dạy rằng lời cầu nguyện của người thâu thuế ăn năn, xưng tội này sẽ được nhậm.
2/ Cầu nguyện bằng cách tụng hay đọc bài cầu nguyện, bài kinh nhiều lần. Đây là cách cầu nguyện của người ngoại đạo; người ta tưởng rằng lặp đi lặp lại bài cầu nguyện nhiều lần thì sẽ được các thần thánh nghe và đáp lời. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng toàn tri; Ngài biết tất cả mọi sự; ngài biết mọi nhu cầu của chúng ta trước khi chúng ta cầu xin.
Người Tin Lành thường gọi bài cầu nguyện này là Bài Cầu Nguyện Chung (Người Công Giáo gọi là Kinh Lạy Cha). Thật ra đây là những nguyên tắc cầu nguyện để được Đức Chúa Trời nhậm lời. Ở đây Chúa Giê-su chủ yếu không phải dạy chúng ta nên cầu xin những điều gì, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta nên cầu nguyện như thế nào để lời cầu nguyện của chúng ta được nhậm.
Chúa Giê-su dạy chúng ta nên cầu nguyện với Đức Chúa Trời như con nói chuyện với Cha thiêng liêng trên trời. Như vậy Ngài giả định rằng chúng ta đã có mối quan hệ cha con với Đức Chúa Trời. Hay nói một cách khác, một người phải tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su để được tái sinh, làm con cái Đức Chúa Trời trước đã, rồi mới có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Giăng 1:12-13
Mô hình cầu nguyện này gồm có sáu nguyên tắc. Ba nguyên tắc đầu nói về Danh Chúa, Nước chúa và Ý Chúa. Ba nguyên tắc sau nói về nhu cầu và mối quan hệ giữa người với người. Nếu chúng ta là con dân Chúa, chúng ta nên đặt Chúa lên hạng ưu tiên hàng đầu trong đời sống mình. Thông thường chúng ta cầu nguyện cho nhu cầu của mình trước và nếu nhớ và còn thì giờ thì mới cầu nguyện cho công việc Chúa và Nước Chúa.
1.Nguyên tắc thứ nhất: Danh Cha được tôn thánh.
Danh Chúa hay tên Chúa nói về chính Chúa. Chúa có nhiều danh hiệu và tên để nói lên bản chất và những đức tính của Ngài.
Mục đích tối cao của con dân Chúa là làm vinh hiển Danh Chúa. Kinh Thánh dạy rằng:
“Vậy thì, hoặc ăn, hoặc uống hay làm việc gì hãy vì vinh quang của Chúa mà làm.” 1Cor 10:31
Như vậy khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa về một vấn đề gì, nếu việc đó, điều đó sẽ đem lại vinh hiển cho Danh Chúa; Ngài sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta.
Hãy xét mình và động lực sâu xa trong lòng mình khi cầu xin một điều gì. Chúng ta có thật sự mong muốn danh Chúa được vinh hiển trong vấn đề đó không hay chúng ta chỉ muốn thỏa mãn những dục vọng của mình. Thông thường chúng ta có thể nghĩ rằng những gì mình cầu xin là hợp lý, không phương hại gì đến ai nhưng điều đó không đem lại vinh hiển cho danh Chúa.
Một điểm khác chúng ta cần chú ý. Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của chúng ta nếu điều chúng ta cầu xin là nhu cầu chính đáng, nhưng Chúa sẽ không nhất thiết sẽ đáp ứng nếu đó chỉ là những điều chúng ta mong muốn.
Danh Chúa được tôn trọng cũng nói đến vấn đề thờ lạy, cầu khẩn đến một thần thánh hay nhân vật linh thiêng nào khác. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa duy nhất đã tạo nên vũ trụ vạn vật; Ngài là chân Thần duy nhất đã ban cho chúng ta mọi sự, từ vật chất đến tâm linh. Vì thế khi con người tôn thờ, cầu nguyện với một thần thánh hay nhân vật nào khác hơn là Đức Chúa Trời, người đó đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời Chí Cao.
2.Nguyên tắc thứ hai: Nước Cha được đến.
Nước Cha ở đây, Chúa Giê-su nói về Nước Đức Chúa Trời hay Nước Thiên Đàng. Nước Đức Chúa Trời là nơi Chúa ngự và cai trị. Giăng Báp-Tít, vị tiên tri tiền phong chuẩn bị lòng người để đón Chúa Cứu Thế đã tuyên bố “Hãy ăn năn vì Nước Thiên Đàng đã đến gần.” Lúc ấy Nước Thiên Đàng chỉ mới ở gần người Do Thái vì Chúa Cứu Thế Giê-su, Con Đức Chúa Trời đang ở giữa họ nhưng chưa cai trị tấm lòng của người nào cả. Chúa Giê-su đã nói với những người Do Thái, “Không ai có thể nói: Kìa, Nước Đức Chúa Trời ở đây hoặc ở đó, vì kìa, Nước Đức Chúa Trời ở giữa vòng các ông.” Lu-ca 17:21
Ngày nay Chúa đang ngự và cai trị trong tấm lòng của những người tin cậy Chúa. Chúa Giê-su khuyên chúng ta nên cầu nguyện để tất cả mọi người đều được nghe Tin Lành cứu rỗi và tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào lòng, để Ngài cai trị đời sống mình. Vì “Phúc Âm về Nước Đức Chúa Trời sẽ được truyền giảng khắp thế giới để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ tận thế sẽ đến.” Mat 24:14
“Nước Đức Chúa Trời đến” cũng nói đến thời kỳ khi Phúc Âm cứu rỗi đã được truyền giảng khắp thế giới, tất cả những người được chọn đã tin Chúa; lúc bấy giờ Chúa Cứu Thế Giê-su sẽ trở lại để phán xét thế gian và cai trị con dân Nước Chúa đời đời.
Là con dân của Chúa chúng ta phải có lòng mong muốn Nước Chúa mau đến, tức là mong Chúa mau đến để cai trị toàn diện và vĩnh viễn Nước Trời vinh quang, phúc hạnh.
3.Nguyên tắc thứ ba: Ý Cha được nên ở đất như ở trời.
Ý định của Chúa là tối cao và tuyệt hảo và không ai, không gì có thể ngăn cản ý Chúa được hoàn thành. Tuy nhiên Đức Chúa Trời cũng ban cho con người quyền tự do chọn lựa, tổ tiên loài người đã chọn không vâng lời Chúa nên phạm tội, sa ngã. Vì tình yêu thương và ân huệ, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-su đến thế gian, hy sinh chịu chết thay cho nhân loại. Một lần nữa Đức Chúa Trời lại ban cho loài người cơ hội chọn lựa, sự sống trong Chúa Cứu Thế Giê-su hay sự chết đời đời nơi hỏa ngục. Những người chọn tin cậy Chúa Giê-su là người đã chọn sự sống đời đời. Dù đã tin Chúa, chúng ta vẫn còn sống trong xác thịt yếu đuối, vì thế Chúa dạy chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa giúp sức để chúng ta có thể vâng lời Chúa trong mọi sự.
Ý Chúa cũng có nghĩa là chương trình, đường lối của Chúa đã được bày tỏ trong Kinh Thánh. Chúa muốn con dân Chúa không những vâng phục Ngài, làm theo ý Chúa nhưng Ngài cũng muốn chúng ta đem muôn dân trở về cùng Chúa, thuận phục và tôn Chúa làm Đấng Chủ tể muôn loài vì Ngài chính là Đấng Tạo Hóa.
Phước cho người khao khát tìm kiếm ý Chúa, ước ao được tham gia vào chương trình cứu rỗi nhân loại của Ngài và mong muốn đi theo đường lối công chính của Chúa; lời cầu nguyện của những người đó sẽ được Chúa nhậm.
Từ ngữ “Ở đất như ở trời” chỉ về sự thuận phục Chúa hoàn toàn của các thiên sứ trên Thiên Đàng. Sa-tan và những thiên sứ phản nghịch đã bị ném ra khỏi thiên đàng (I-sa 14:12). Đức Chúa Trời muốn ngự và cai trị những người tự nguyện vâng phục Ngài hoàn toàn. Đây là điều chúng ta, những con dân của Chúa phải học tập, rèn luyện để vâng theo ý Chúa trong mọi sự, từ tư tưởng, thái độ, lời nói đến hành động cho đến khi chúng ta về với Chúa hay khi Chúa Cứu Thế tái lâm.
4.Nguyên tắc thứ tư: Xin cho chúng con hôm nay thức ăn đủ ngày
Từ ngữ “hôm nay” cũng có thể hiểu là “ngày tới” hay hằng ngày. Nguyên tắc Chúa dạy ở đây là chúng ta hãy nương cậy nơi sự chu cấp của Chúa cho những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Nếu chúng ta là con cái Chúa, chúng ta không nên quá lo lắng cho nhu cầu sống hằng ngày, đồng thời chúng ta cũng không nên tham lam quá mức.
5.Nguyên tắc thứ năm: Xin tha tội cho chúng con, như chính chúng con cũng tha kẻ mắc tội với chúng con.
Kinh Thánh dạy rõ chúng ta được tha tội là nhờ đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-su, “Đức Chúa Trời bởi huyết của Chúa Cứu Thế Giê-su đã lập Ngài làm sinh tế chuộc tội cho mọi người tin”. Rôm 3:25 Dù con dân Chúa đã được tha thứ tất cả tội lỗi của mình, nhưng trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn còn vấp phạm, vì thế Chúa đã ban cho con dân Ngài một phương tiện để giữ đời sống thánh thiện và giữ cho mối tương thông với Chúa không bị cắt đứt bằng cách ăn năn, xưng tội. “Nếu chúng ta xưng tội lỗi mình thì Ngài là Đấng thành tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.” 1Giăng 1:9
Chúa Giê-su giả định rằng vì chúng ta đã được tha thứ tất cả tội lỗi của mình nên con dân Chúa thấy rằng tội lỗi của người khác phạm cùng mình là nhỏ bé, không đáng kể so với tội lỗi mình đã phạm cùng Chúa và nhờ đó con dân Chúa cũng có khả năng tha thứ cho người khác.
Là con dân của Chúa chúng ta nên xây dựng đời sống tâm linh, đầy dẫy bông trái Thánh Linh và nhờ đó chúng ta dễ dàng tha thứ cho người khác.
Nếu một người không thể tha thứ cho người khác, điều này cho thấy người đó có thể chưa được đổi mới và chưa có sự sống đời đời cùng tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa trong đời sống mình.
6.Nguyên tắc thứ sáu: Xin đừng để chúng con sa vào chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi kẻ (điều)ác.
Chúng ta dù đã được cứu rỗi nhưng vẫn sống trong xác thịt, trong xã hội đầy dẫy những cám dỗ và trong thế gian dưới ảnh hưởng của ma quỷ và kẻ ác. Vì thế con dân Chúa cần nương cậy vào quyền năng và sự bảo vệ của Chúa mỗi ngày.
Chúng ta cần sự khôn ngoan và quyền năng của Chúa Thánh Linh để thấy, biết và tránh những cám dỗ trong đời sống hằng ngày.
Chúng ta cũng cần nương cậy vào năng lực và tình yêu thương của Chúa để không làm điều ác. Trong nhiều trường hợp, con dân và hội thánh Chúa đang bị kẻ ác tấn công, hảm hại; chúng ta phải cầu nguyện, xin sự bảo vệ, gìn giữ của Chúa. Lu-ca ghi lại sự kiện hội thánh cầu nguyện cho Sứ Đồ Phê-rơ khi ông bị vua Hê-rốt bắt giam và Chúa đã sai thiên sứ đến giải thoát Phê-rơ ra khỏi ngục. (Công Vụ 12:1-18)
III.Kiêng ăn
Kiêng ăn để cầu nguyện là một hành động đã có từ xưa và được thực hành thường xuyên trong thời Cựu Ước, đặc biệt là sau thời lưu đày. Kinh Thánh quy định cho con dân Chúa kiêng ăn cầu nguyện trong ngày lễ Xá Tội. Lê-vi 23:27
Chúa Giê-su chấp nhận vấn đề kiêng ăn nhưng Ngài muốn dạy chúng ta kiêng ăn với thái độ và động lực đúng. Không nên kiêng ăn để chứng tỏ rằng mình sùng đạo, thiêng liêng.
Chúa Giê-su kiêng ăn trong đồng hoang bốn mươi ngày trước khi thi hành chức vụ. Sứ Đồ Phê-rơ kiêng ăn tại Giốp-bê và thấy khải tượng truyền giảng cho người ngoại (Công Vụ 10:11). Tín hữu hội thánh An-ti-ốt đã kiêng ăn, cầu nguyện và được Thánh Linh phán bảo hãy sai phái Phao-lô và Ba-na-ba đi truyền giáo. (Công Vụ 13:2-3)
Áp dụng
1/ Tín hữu của Chúa nên có thì giờ mỗi ngày để tĩnh nguyện Lời Chúa.
Hãy để ra 15 phút đến 30 phút mỗi ngày để đọc một đoạn ngắn KT và cầu nguyện với Chúa.
2/ Tín hữu và hội thánh Chúa nên kiêng ăn, cầu nguyện, tìm kiếm ý Chúa cho những vấn đề quan trọng trong cuộc sống hay mục vụ.
Câu hỏi thảo luận
1/Tại sao con dân Chúa nên làm việc từ thiện? Và làm bằng cách nào?
2/ Hai động lực sai trái trong khi cầu nguyện là những động lực nào?
3/ Sáu nguyên tắc Chúa dạy chúng ta nên cầu nguyện là gì?
a/
b/
c/
d/
e/
g/